Tại thị trường thuộc nhóm tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới - Ấn Độ, giá vàng từ ngày 21.7 đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong lịch sử là 51.300 Rupee/10g, tăng 500 Rupee so với ngày trước đó là 50.800 Rupee/10g.
Giá bạc cũng gia tăng mạnh mẽ chạm mức cao nhất trong vòng 7 năm là 57.400 Rupee/kg. Thực tế, giá bạc đã tăng 4.900 Rupee chỉ trong một ngày khi giá bạc hôm 20.7 ở mức 52.500 Rupee/kg.
Trong khi đó tại Việt Nam, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 22.7 giá vàng cũng ghi nhận mức cao chưa từng có. Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 51,50 – 52,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 1.150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 21.7.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 52,00 – 52,80 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 1.400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch chiều qua.
Mức chênh lệch mua vào - bán ra được các đơn vị kinh doanh trong nước nới rộng lên mức từ 800.000 đồng đến 1.150.000 đồng/lượng. Đây là mức quá cao, người mua vàng khó có cơ hội thu lãi nếu mua vào lúc này.
Các nhà phân tích cho rằng, giá vàng và bạc tăng mạnh do lo ngại về tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Haresh Acharya, giám đốc Hiệp hội Vàng và Đá quý Ấn Độ (IBJA), trong khi các ngân hàng trung ương đang đầu tư mạnh vào vàng, các khoản đầu tư an toàn vào vàng đã tăng lên trong bối cảnh kỳ vọng về sự kích thích nhiều hơn từ các chính phủ trên toàn cầu, khiến giá vàng tăng lên.
"Nhu cầu về bạc cũng tăng khi bạc không chỉ là một khoản đầu tư an toàn mà còn phục vụ cho công nghiệp hay được sử dụng dưới hình thức các quỹ giao dịch trao đổi (ETFs). Chính vì thế, giá bạc cũng tăng mạnh", ông Haresh Acharya nói.
Ông Acharya cũng thông tin thêm, những ngày tiếp theo, giá vàng dự kiến vẫn tiếp tục do lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, giá vàng tăng có tác động bất lợi đến nhu cầu sử dụng trang sức bằng vàng. Theo các thợ kim hoàn, việc bán trang sức bằng vàng đã bị lao dốc.
"Nhu cầu về đồ trang sức đã giảm hơn 80%. Trong số này, mua hàng mới là tối thiểu, vì hầu hết khách hàng đã mua vàng trước đó để đổi nó lấy đồ trang sức mới hơn. Nếu kịch bản này tiếp diễn, nhu cầu sẽ hầu như không có và nhiều phòng trưng bày trang sức sẽ buộc phải đóng cửa.
Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ phải có biện pháp giảm thuế hải quan cơ bản đối với vàng từ mức 12,5% hiện có" - ông Rohit Choksi, chủ tịch Hiệp hội kim hoàn của thành phố Ahmedabad (JAA) cho biết.