Nhà phân tích thị trường Konstantin Oldenburger tại CMC Markets cho rằng: “Thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Nhật Bản có thể đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng Yên đang bị tổn thương.
Việc can thiệp này có thể dễ dàng hơn trong tương lai với khả năng thay đổi chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)”.
Oldenburger nhận định cổ phiếu Mỹ đặc biệt có lợi trong giai đoạn lãi suất tăng cao, vì thanh khoản quay trở lại USD.
"Khi lãi suất giảm, thanh khoản này chảy ra khỏi đồng USD và chuyển sang các kênh đầu tư khác trên thế giới. Đồng Yên hiện có thể hưởng lợi từ sự phân phối lại này" - chuyên gia này nhận định.
Sau khi công bố CPI tháng 6 của Mỹ vào thứ Năm tuần trước, USD/JPY đã giảm hơn 2%, với tin đồn lan truyền rằng Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp.
Oldenburger cho biết: "Nếu xu hướng của tuần trước - do CPI thấp hơn và kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất - tiếp tục, đồng Yên có thể tăng cùng với giá vàng hướng tới mức cao nhất mọi thời đại. Theo lịch sử, đồng Yên mạnh có mối tương quan tích cực với vàng, cho thấy vàng cũng có thể được hưởng lợi”.
Oldenburger lưu ý rằng giá vàng đã giao dịch quanh ngưỡng 2.290 - 2.431 USD/ounce trong ba tháng qua. Kể từ đầu tháng 7, các nhà đầu tư đã cố gắng vượt qua phạm vi này, điều này có thể đẩy giá lên tới 2.700 USD/ounce. Ngược lại, nếu vàng giảm xuống dưới 2.290 USD/ounce, giá có thể điều chỉnh thêm xuống 2.220 USD/ounce và sau đó là ngưỡng 2.189 USD/ounce.
Giá vàng sụt giảm một phần do đồng USD mạnh lên. Ghi nhận lúc 23h00 ngày 19.7, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,035 điểm (tăng 0,14%).