Đầu cơ bitcoin
Vậy bitcoin thực chất là gì? Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - cho rằng bitcoin không phải là tiền mà chỉ là một loại tài sản đầu cơ. Tiền phải được phát hành và kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương của các quốc gia, và có tỉ giá hối đoái giữa các loại tiền phụ thuộc vào nền kinh tế và cán cân thương mại của các quốc gia. Trong khi bitcoin không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia nào và giá thay đổi hoàn toàn chỉ dựa vào cung cầu của nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, có hai lý do khiến bitcoin tăng nhanh như thời gian qua vì phần lớn mọi người đang coi bitcoin là sản phẩm đầu cơ và chuyển tiền ẩn danh.
Cùng quan điểm trên, ông Dominik Weil - đại diện bitcoin Việt Nam - cho rằng: “bitcoin như một hình thức tài sản mới và mọi người có thể mua khi giảm giá, bán khi tăng giá. Như vậy đa số mọi người đổ xô vào thị trường để sinh lời và nói thẳng ra đó là đầu cơ”.
Theo chủ tịch SSI, giá của bitcoin được định đoạt bởi cung và cầu tại từng thời điểm. Do lượng người quan tâm đến bitcoin nói riêng và các bitcoin khác nói chung ngày càng nhiều nên giá tăng rất nhanh, biến động với biên độ lớn thu hút ngày càng nhiều người tham gia thử vận may trong cơn sốt này. Nhưng đây cũng chính là mảnh đất mầu mỡ để các tổ chức và cá nhân hình thành các hoạt động lừa đảo. Trong khi gắn với đầu cơ là câu chuyện của đa cấp. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm cục than nóng? Khi đầu cơ quá lớn vấn đề sẽ là hậu quả về sau như bong bóng hoa tuylip trong lịch sử từng chứng kiến, chỉ một nước Hà Lan cũng dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới.
Cùng đó, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch trong thanh toán và chuyển tiền ẩn danh. Bitcoin đang được một số tổ chức và cá nhân sử dụng làm công cụ chuyển tiền ẩn danh. Để quản lý vấn đề này không khó nếu các quốc gia cùng thừa nhận bitcoin và phối hợp để giám sát thì việc chuyển tiền qua giao dịch bitcoin có thể kiểm soát và phát hiện dễ dàng qua việc truy xuất thông tin tại hệ thống máy chủ. Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng Nhà nước cần có hành lang pháp lý qua đó sẽ minh bạch thị trường mua bán, kiểm soát được các hoạt động phạm tội, giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia và quan trọng nhất là nhà nước kiểm soát được hoạt động và thu được thuế.
Vỡ mộng vì “sập bẫy” ICO
Hiện giá bitcoin đang quá cao nên nhiều nhà đầu tư quay ra sang rót tiền cho ICO với kỳ vọng bỏ vốn ít, chờ khi nào đồng tiền đó chính thức lên sàn thì ăn lãi lớn. Gần giống với IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), ICO là hình thức phát hành tiền ảo lần đầu để huy động vốn của các startup công nghệ. Giá phát hành ban đầu thường chỉ dưới 1USD và cũng lời hứa hẹn của các startup rằng tương lai đồng tiền này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Đức - thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam cảnh báo việc đầu tư vào ICO nhiều rủi ro giống như bạn đang đầu tư vào startup, thực chất là hình thức gọi vốn trước khi thực hiện dự án thông qua phát hành tiền ảo. Hình thức đầu tư này đòi hỏi nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Sau này ICO được thổi phồng lên một cách quá đáng nhiều trường hợp các doanh nghiệp ICO lấy tiền xong bỏ trốn.
Vì vậy vai trò Nhà nước rất quan trọng trong việc quản lý các trường hợp này để đảm bảo nhà đầu tư không mất tiền. Dưới góc độ sàn cần có hạ tầng về công nghệ, bảo mật để bảo vệ nhà đầu tư. Hiện, ngay cả Hàn Quốc cũng đang thắt chặt việc ICO không cho ra đồng tiền mới. Những nỗ lực trên giúp thị trường trở nên minh bạch hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách đến từ bitcoin.vn cho biết: “Về vấn đề ICO, đến 99% là tôi không tin tưởng. Trong buổi sinh hoạt cộng đồng câu lạc bộ bitcoin ở Sài Gòn hay Hà Nội, nhiều tổ chức đề nghị chúng tôi giới thiệu một vài ICO nhưng Cty chúng tôi đều từ chối. Các công ty ICO đều kiểm soát hoàn toàn số lượng, một khi biến mất thì toàn bộ số tiền cũng biến mất”.