Chương trình bao gồm loạt các hoạt động thiết thực như: “Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp”, “Triển lãm ảnh Trưng bày giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 13 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái (29.11.2007 – 29.11.2020)” và hoạt động treo băng rôn tuyên truyền trên đường phố; với sự hỗ trợ đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo).
Theo đó, vào sáng ngày 27.11 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, “Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp” đã được tổ chức, đây là một trong các hoạt động chính của Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái 2020. Chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan thông tấn báo chí tham dự.
Tại diễn đàn, Trung tá Nguyễn Minh Thông, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cũng đã chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn vi phạm mới. Đơn cử như trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó là sản xuất, kinh doanh hàng hoá có thành phần, tiêu chuẩn, định lượng không đúng với hồ sơ công bố, đăng ký, xin cấp phép, thường là giảm lượng thành phần, tiêu chuẩn để bán cho người tiêu dùng. Những mặt hàng vi phạm thường tập trung vào thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, theo Trung tá Nguyễn Minh Thông, các đối tượng còn làm giả hồ sơ, tài liệu để gian lận thương mại, nhập lậu hàng giả, xâm phạm SHTT từ nước ngoài về Việt Nam như: chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), chứng nhận kiểm dịch chuyển ngành, giấy uỷ quyền thương mại….
Theo ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, để tăng cường xử lý xâm phạm quyền SHTT cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến SHTT, mà trước tiên là Luật SHTT.
Ngay sau Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái, Triển lãm ảnh về Trưng bày giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 13 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái (29.11.2007 – 29.11.2020) đã được chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với 3 ngày mở cửa tự do từ 27.11 – 29.11, đặc biệt là thời gian cuối tuần khi khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm hoạt động, Triển lãm đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô đến tham quan.
Bên cạnh những hình ảnh phân biệt hàng giả, hàng thật trong mê cung các sản phẩm hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các Cục Quản lý thị trường địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai,…v..v…để mang đến cho khách tham quan hơn 100 hình ảnh thực tế nhất về những đợt thanh tra, kiểm tra hàng hóa, sản phẩm trên thị trường để từ đó, truyền tải đi thông điệp cao đẹp đó là “cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến từ ý thức của cộng đồng xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở những đợt thanh tra, kiểm tra thị trường”. Bên cạnh đó, những hình ảnh được trưng bày cũng là cơ sở để người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất cùng tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay...
Bên cạnh đó, trong thời gian Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức, hàng loạt băng rôn khẩu hiểu đã được treo trên các tuyến phố để phát động phong trào và kêu gọi toàn thể xã hội cùng chung tay và đẩy lùi vẫn nạn hàng giả, hàng nhái
Có thể thấy đây là lần thứ hai “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái” được tổ chức nhưng với kết quả đạt được, chương trình đã trở thành một trong các hoạt động nổi bật và dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức thương niên để hưởng ứng “ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, ngày 29.11 hàng năm.