Theo dự báo, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15%; nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ, tối ưu hóa về nguồn cung, các hệ thống truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng hiện có, việc đầu tư, phát triển các giải pháp năng lượng mới cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố thiết yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Philipp Munzinger, Giám đốc GIZ tại Việt Nam đã đưa ra dự báo, điện mặt trời và gió dự kiến sẽ chiếm phần lớn trong các nguồn bổ sung công suất điện trong bối cảnh chi phí phát điện và giá điện phát từ các nguồn tái tạo ngày càng cạnh tranh hơn. Ông Philipp Munzinger cũng khẳng định, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho chuyển dịch năng lượng.
Theo các chuyên gia, có bốn yếu tố cốt lõi để chuyển dịch năng lượng thành công đó là: công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ về KH&CN. Nhấn mạnh tới vấn đề công nghệ, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực của chuyển dịch năng lượng, đổi mới sáng tạo diễn ra không ngừng bên cạnh việc phát triển công nghệ lõi. Do đó, chính sách phát triển KH&CN thông qua các chương trình, dự án về nghiên cứu và phát triển, làm sao có chính sách đổi mới sáng tạo để góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Những nỗ lực này không chỉ nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sạch, xanh và bền vững, Việt Nam cũng đang dần khẳng định vị thế, trách nhiệm của mình trong việc phát triển năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện hiện nay còn tương đối hạn chế mặc dù tiềm năng rất lớn. Nguyên nhân đến từ một số rào cản chính như: Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…. Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, song trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.
Để góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các chính sách và chương trình hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thảo luận định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và bài học kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới… Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ việc áp dụng thành công, hiệu quả mô hình chuyển dịch năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.