“Không nên “đẻ” thêm loại phí nào”
Sáng 22.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Đồng tình với việc nên thực hiện thí điểm một số chính sách, để tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề trong dự thảo nghị quyết như: thực hiện cơ chế đặc thù cần tránh làm "phình" ngân sách, đặc biệt tránh việc có cơ chế riêng để tăng các khoản thu trong giai đoạn người dân và doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội), rất nên tổ chức thí điểm một số chính sách để có những bài học rút kinh nghiệm để có thể áp dụng chung cho cả nước, giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về tiêu chí để lựa chọn 4 tỉnh này thí điểm một số cơ chế, mục đích thí điểm hướng tới là gì?
Nếu việc thí điểm hướng tới việc để rút kinh nghiệm, để có cơ chế quản lý phù hợp hơn, mang tầm nhìn xa hơn thì nên thêm các tỉnh thành ở vùng miền khác, để có cái nhìn tổng quát hơn, bao phủ hơn.
Đặc biệt, đại biểu Mai lưu ý việc trong dự thảo nghị quyết về một số cơ chế đặc thù có các quy định liên quan đến việc tăng thu, thêm các loại phí và lệ phí.
Chẳng hạn có tỉnh xin cơ chế được quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí này.
“Việc quản lý thu và sử dụng các loại phí mới thì phải tuân thủ các quy định của Luật Phí và Lệ phí. Mặc dù dự thảo cũng nêu một số yêu cầu nhưng quy định bổ sung một số loại phí liên quan đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp nên nghiên cứu, thận trọng, để đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”- đại biểu Mai lưu ý.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng các loại phí lên là không nên.
“Ít nhất trong 2 năm phục hồi kinh tế, không nên đẻ ra loại phí nào, để tiếp tục đè gánh nặng chi phí lên người dân và doanh nghiệp. Trong gian đoạn này phải giãn, khoan sức dân . Chúng ta đẻ ra một số thí điểm rồi tăng thu, tăng thêm chi phí cho người dân và doanh nghiệp là không nên”- đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tránh tạo phong trào xin cơ chế riêng
Cũng góp ý về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP.Hà Nội) bày tỏ băn khoăn có cần thiết phải ban hành các cơ chế riêng cho một số tỉnh hay không vì sẽ khó cho trung ương trong việc quản lý. Ông đặt vấn đề “liệu sau này có một phong trào xin cơ chế riêng như thế không?”.
Làm rõ hơn về băn khoăn này, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, không nên ra nghị quyết cơ chế đặc thù mà nên ban hành nghị quyết thí điểm, chọn địa phương để thí điểm một số cơ chế, sau đó cơ chế này có thể áp dụng với các tỉnh khác.
“Chúng ta nên có cơ chế thí điểm, sau đó cứ tỉnh thành phố nào có loại hình rơi vào tiêu chuẩn, quy định trong nghị quyết này thì có thể nghiên cứu áp dụng. Việc thí điểm này là mở đường cho những cải cách cần thiết, cải thiện môi trường kinh doanh để vượt qua bẫy thu nhập trung bình…
Thí điểm thì không thể quá rộng hoặc quá hẹp, 4-5 tỉnh thành như nghị quyết là được… Tôi nhấn mạnh nên chỉ là cơ chế thí điểm, chứ không phải là cơ chế đặc thù để các địa phương này nhờ được đặc thù mà vượt lên hơn các địa phương khác… Việc thí điểm là để xây dựng cơ chế chung cho cả quốc gia, chứ không chỉ cho 4 tỉnh, thành phố này”- đại biểu Lộc nêu quan điểm.