Ngày 19.6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Đối tượng, phạm vi của chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam.
Đề xuất này nhằm triển khai các nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại Khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Về nội dung xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đồng tình, cho rằng đây là giải pháp cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, vừa tạo ra sự công bằng cho mọi công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài đều được thụ hưởng và có trách nhiệm với thành quả văn hóa Việt Nam.
Thông qua các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để chủ động quảng bá, lan tỏa và hội nhập văn hóa quốc tế, đồng thời là cầu nối để tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa của văn hóa thế giới, góp phần làm phong phú và nâng cao giá trị văn hóa con người Việt Nam.
Tranh luận về ý kiến này của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, đây là đề xuất hay nhưng không mới.
Đại biểu bày tỏ lo lắng việc duy trì, phát triển có hiệu quả hay không, bởi đầu tư xây dựng trung tâm ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển rất tốn kém; ngoài ra, đại biểu băn khoăn “lấy đâu ra người tâm huyết và có trình độ để vận hành”.
Đại biểu đề xuất nên chăng hỗ trợ các hội đoàn nghề nghiệp, kiều bào tự tổ chức các Trung tâm văn hóa ở các nước, tự trang trải kinh phí bằng các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cà phê, siêu thị.
Ngoài ra, nên tập trung vào các chương trình cụ thể như dạy tiếng Việt ở những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống; ban hành quy chuẩn đánh giá trình độ học tiếng Việt; tổ chức thi để công nhận trình độ tiếng Việt…
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng, việc đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và thực tiễn trong thời đại mới, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, bên cạnh việc chưa được quy định trong Luật Đầu tư công và trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện, một điều quan trọng nữa mà đại biểu quan tâm là sức chống chịu để sống tự lập ở nước ngoài của Trung tâm văn hóa Việt Nam cần phải được khẳng định.