Lời tòa soạn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” - một bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đúc kết từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta.
Trong suốt 94 năm hình thành, phát triển, MTTQ Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc ta, góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu phát triển hùng cường, thịnh vượng. Và chặng đường đó chỉ có thể thực hiện được khi tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường.
Báo Lao Động trân trọng giới thiệu loạt bài viết “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Đại đoàn kết vì Việt Nam hùng cường”.
Cùng người nghèo chạm tới ước mơ an cư
70 năm đã trôi qua, kể từ ngày quân và dân ta giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thế giới có nhiều đổi thay nhưng thời gian không làm phai mờ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tự hào về chiến thắng lịch sử hào hùng, vẻ vang nhưng cũng chính tại Điện Biên - địa phương hiện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, còn hàng vạn hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở, sinh kế để ổn định đời sống luôn là nỗi đau đáu, trăn trở của lãnh đạo các cấp.
Phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc. Trong đó, có Lễ phát động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên (Đề án 09).
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, chương trình có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc”, nhằm huy động nguồn lực xây dựng trên 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo các tỉnh Tây Bắc, trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm mới 5.000 căn nhà cho người nghèo.
Thực hiện phong trào này, từ đầu năm 2024, các bản làng ở Điện Biên như khoác lên mình diện mạo mới bởi sự xuất hiện của hàng nghìn ngôi nhà kiên cố, khang trang thay cho những ngôi nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá. Đây là những ngôi nhà đại đoàn kết được xây nên từ tình đoàn kết, sự sẻ chia, với truyền thống “lá lành đùm lá rách” của toàn dân tộc, cả nước hướng về Điện Biên.
Được sống trong ngôi nhà kiên cố là ước mong của anh Lò Văn Hiền cùng vợ là chị Quàng Thị Thi ở thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Bản thân anh Hiền bệnh tật, thu nhập của cả nhà chủ yếu trông chờ vào việc vợ anh đi làm thuê nông nghiệp, nên việc xây một căn nhà vững chãi để ở là điều vợ chồng anh chưa từng dám nghĩ tới.
Thế nhưng, từ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, gia đình anh Hiền đã dựng được ngôi nhà sàn mới khang trang. Không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt có phần khắc khổ, anh Hiền chia sẻ niềm vui từ nay gia đình anh không còn phải cảnh thấp thỏm âu lo mỗi khi trời mưa gió.
“Nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành không biết đến khi nào gia đình tôi mới xây được căn nhà kiên cố như thế này. Có nhà mới rồi thì từ nay trở đi chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu, quyết tâm làm ăn cho đủ, tuy không giàu sang gì nhưng cũng phải cho no đủ” - anh Hiền nói.
Một trường hợp khác đó là gia đình anh Lò Văn Minh, dân tộc Khơ Mú, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Bên cạnh số tiền 50 triệu đồng mà đề án hỗ trợ, gia đình anh Minh đã tự đối ứng được 70 triệu đồng.
Nhờ vào sự giúp đỡ ngày công, nguyên vật liệu của họ hàng, hàng xóm láng giềng, gia đình anh Minh đã hoàn thành được căn nhà mơ ước bấy lâu. Tấm biển đỏ, chữ vàng với dòng “Nhà Đại đoàn kết” được treo trang trọng ở phía bên ngoài của căn nhà sàn bằng gỗ như sự nhắc nhở, động viên để những gia đình như anh Minh được thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
“Có nơi ở ổn định, tôi cũng yên tâm lao động sản xuất, nuôi dạy các con cháu ăn học và sẽ cố gắng làm ăn để thoát hộ cận nghèo”, anh Lò Văn Minh chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
Đây chỉ là 2 trong số 5.000 gia đình được nhận nhà đại đoàn kết trong khuôn khổ Đề án xây dựng 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên thực hiện chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Để có được niềm vui an cư ấy là hành trình dài hơn 200 ngày đêm đoàn kết đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và sự chung tay, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước.
Quá trình triển khai, MTTQ các cấp đã vận động, huy động các lực lượng với trên 100.000 ngày công giúp hộ nghèo tháo dỡ nhà cũ, dựng nhà mới, vận chuyển vật liệu làm nhà. Toàn bộ số công sức ấy tương ứng số tiền hơn 28 tỉ đồng. Nhờ đó, 5.000 mái ấm đại đoàn kết đã hoàn thành, tạo động lực cho người dân quyết tâm thoát nghèo.
Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết bằng những cách làm sáng tạo
Không chỉ ở Điện Biên, bằng nhiều nguồn lực huy động từ cộng đồng, trong năm 2023, tỉnh Lào Cai đã làm được 140 ngôi nhà đại đoàn kết với tổng số tiền hỗ trợ trên 4,4 tỉ đồng, qua đó góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Đó không chỉ là niềm vui của những gia đình khó khăn có được nhà ở mà đó là sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết, sự quan tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” của cả xã hội.
Hay tại Hòa Bình, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, bàn giao cho hộ nghèo, giúp họ "an cư, lạc nghiệp", có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Ông Trần Đức Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình - cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình đã xây mới và sửa chữa 433 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 20,143 tỉ đồng trích từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Trong đó có 393 nhà xây mới, trị giá 13,582 tỉ đồng; sửa chữa 40 nhà, trị giá 434 triệu đồng.
Và thực tế, trên cả nước, tại nhiều địa phương đã có hàng trăm cách làm hay, sáng tạo, sát thực tế của chính quyền địa phương và Ủy ban MTTQ các cấp để xây nên những ngôi nhà đại đoàn kết, giúp người nghèo chạm đến giấc mơ an cư.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhận định, hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo được MTTQ các cấp quan tâm thực hiện, thu hút các cấp, các ngành và người dân tham gia.
Những ngôi nhà đại đoàn kết trao cho hộ nghèo được xây từ những tấm lòng nhân ái, hảo tâm và sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng là nguồn động viên lớn đối với các gia đình, giúp hộ nghèo an cư, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân, tương ái”, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng chính là tinh thần sẻ chia, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của mỗi địa phương và của cả dân tộc.