Cần quy định về cách thức sử dụng nhân tài
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Dự án luật sẽ tiếp tục được thảo luận ở hội trường tại đợt 2 của kỳ họp. Đáng chú ý, dự thảo luật đã dành 1 điều quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thu Đông (đoàn ĐBQH Bạc Liêu), quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như có tài năng đặc biệt, có phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội.
Theo đó rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét. Bởi đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, còn cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các nội dung của dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng.
Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực, cơ chế xin - cho... đã dẫn đến tâm lý chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công.
Từ những phân tích trên, bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong chính sách về thu hút nhân tài tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đặc biệt, trong đó phải thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao và nên có sự tách bạch giữa nhân tài trong khu vực công và nhân tài được thu hút về khu vực tư vì cùng đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Thực hiện tốt chính sách về tiền lương, đãi ngộ
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH Hải Dương) nhấn mạnh, cần xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực làm việc trong khu vực công, đặc biệt là đội ngũ nhân tài, nhân lực chất lượng cao được tuyển dụng. Điều quan trọng nữa, để giữ chân được những người tài năng và khuyến khích họ phát huy hết năng lực, sở trường, cần xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau; bảo đảm tính công bằng, chuyên nghiệp, tạo được sân chơi cạnh tranh.
Do đó, cần thể chế hóa, định lượng rõ cơ chế đặc thù thu hút nhân tài cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng Thủ đô thành điểm đến thu hút nhân tài.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu - nhìn nhận, về số lượng biên chế, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ CBCCVC hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nếu chỉ quy định như dự thảo Luật hiện tại là “giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì vậy, bà Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.
10 năm mới tiếp nhận 55 thủ khoa
Tại Hà Nội, từ năm 2013 đến nay đã quyết định tiếp nhận 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Đồng thời, tuyển dụng đặc cách đối với 77 vận động viên xuất sắc đoạt huy chương tại giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của thành phố.