Tiếp tục phiên họp thứ 25, chiều 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (2018).
Liên quan tới đội ngũ nhà giáo, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đánh giá, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn đầu.
Đến cuối năm học 2021-2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993 (tăng 6.199 người so với năm học 2018-2019). Trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; trong đó, bổ sung 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022-2023.
Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông ngày càng được nâng lên, từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá tình hình thực tiễn đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới (tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật ) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.
Cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.
Việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên dạy môn tích hợp, môn học mới do chưa có nguồn giáo viên được đào tạo.
Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút giáo viên thành phố lớn và các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Về các giải pháp liên quan vấn đề này, Đoàn giám sát cho rằng cần sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo.
Về giải pháp trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về khung vị trí việc làm, định mức số người làm việc tối thiểu và lộ trình áp dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù ở từng vùng, miền, địa phương.
Cùng đó, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, trong đó quan tâm chế độ phụ cấp đối với đội ngũ giáo viên.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát kiến nghị cần hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với ngành giáo dục.
Đồng thời hướng dẫn việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp khi xây dựng đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập để làm cơ sở xác định chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức...
Cùng đó, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên.
Phát biểu tại phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên.
Theo ông Sơn, phải làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực. Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo.