Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đáng chú ý, sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Cải cách chính sách tiền lương được xem là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng mức sống của người hưởng lương, đảm bảo cho quá trình lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội.
Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
“Tiền lương không chỉ là nguồn thu nhập của người lao động mà còn tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và động lực làm việc của họ. Khi người lao động nhận được mức lương công bằng và hợp lý, họ có khả năng nâng cao cuộc sống cá nhân, đóng góp vào nền kinh tế và tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội” - ông Dĩnh phân tích.
Cũng theo ông Dĩnh, chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, năm 1960, 1985, 1993 và lần cải cách tiền lương gần nhất là năm 2003.
Qua đó, tiền lương khu vực công đã từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả song chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động…
“Chúng ta theo lộ trình tăng mức lương cơ sở, tăng mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu giờ. Song thực tế cho thấy, đời sống của người lao động còn gặp nhiều chật vật, đặc biệt là cuộc sống ở đô thị. Và cũng chính vì vậy, năng suất lao động ở Việt Nam so với khu vực và thế giới còn thấp” - ông Dĩnh nói.
Cũng theo ông Dĩnh, lần cải cách tiền lương gần nhất vào năm 2003, qua các năm, mức lương cơ sở ở khu vực công cũng có những điều chỉnh; mức lương ở khu vực doanh nghiệp cũng đã có những sự thay đổi. Tuy vậy, thực tế, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn.
Nghị quyết 27 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII năm 2018 cũng đã đặt ra yêu cầu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến.