Sáng 13.10, phát biểu tại hội nghị hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai, do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, Chống thiên tai phối hợp cùng các tổ chức Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, Chống thiên tai, nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
Công tác phòng chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân. Hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai ngày càng hoàn thiện; nguồn lực cho phòng chống thiên tai ngày càng được ưu tiên.
Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: Tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

"Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đồng thời thẳng thắn nêu rõ:
Hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch COVID-19 cùng xảy ra đồng thời.
“Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời đảm bảo mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Ra mắt Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương
Tại hội nghị, Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (được thành lập theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP) chính thức ra mắt với những đóng góp, ủng hộ đầu tiên của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10.2020, chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung đã lên đến hơn 25 triệu USD.
Ghi nhận những hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đáng quý đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao tặng Bằng khen Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Tập thể Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Cá nhân ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, Chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.