Tại cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo trao đổi về tầm nhìn chung đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ngành và giao lưu nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời mời Thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế hiện có và tìm kiếm những biện pháp mới để đưa quan hệ toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Hai nhà lãnh đạo đều chia sẻ, hợp tác quốc phòng – an ninh đang ngày càng hiệu quả và là trụ cột của quan hệ song phương. Hai bên hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại dù phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai nước. Hai bên nhấn mạnh đây là lĩnh vực cần được đặt ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới để sớm đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD và cao hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn thiện chí của lãnh đạo Ấn Độ, đặc biệt là Thủ tướng Modi, sẵn sàng trao đổi để giảm các biện pháp phòng vệ thương mại, không để ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhất trí hai nước có nhiều hoa quả, nông sản và thực phẩm có thể bổ sung cho nhau, hai nhà lãnh đạo đề nghị các Bộ, ngành liên quan hai bên sớm trao đổi khả năng mở cửa thị trường lẫn nhau với các mặt hàng này cũng như các sản phẩm khác mà hai bên có tiềm năng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đầu tư của Ấn Độ trên những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đề nghị tăng cường hợp tác giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Petro Viet Nam (PVN) trong lĩnh vực dầu khí, đẩy mạnh triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò các lô mới.
Hai bên nhất trí tích cực thực hiện các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở các nước thứ ba, đồng thời cân nhắc khả năng hợp tác với nước thứ ba để thăm dò, khai thác dầu khí.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân còn rất nhiều tiềm năng, giao các bộ, ngành, địa phương hai nước thiết lập các cơ chế hợp tác, nhóm làm việc để triển khai hiệu quả các văn kiện đã ký kết.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường kết nối, nhất trí tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để Vietjet có thể sớm khai thác đường bay thẳng TP.Hồ Chí Minh – New Delhi.