Chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao
Chính phủ vừa có báo cáo số 186/BC-CP gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo, từ cuối tháng 9.2022, diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng chuyển biến rất nhanh; đồng thời, lạm phát toàn cầu neo cao, Fed liên tục điều chỉnh tăng nhanh, mạnh lãi suất điều hành.
Trong nước, mặc dù lạm phát năm 2022 bình quân tăng 3,15%, tuy thấp hơn so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022 lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng và đến cuối năm lạm phát cơ bản (LPCB) so với cùng kỳ đã ở gần sát mức 5%, LPCB bình quân là 2,59% và cao hơn rất nhiều so với mức LPCB bình quân năm 2021 là 0,81%.
Áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và đồng USD tăng giá rất mạnh; vào thời điểm tháng 9, tháng 10.2022, đồng Việt Nam đã chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%. Đồng thời, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB đã là các yếu tố tổng hợp làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỉ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Trong bối cảnh đầy thách thức với sức ép lớn đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với mức tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10.2022 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đề xuất chính sách hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm
Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình. Cụ thể, trong số 272 dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư của chương trình, hiện nay còn 107 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân còn thấp.
Các dự án này khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm nay mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Do đó, Chính phủ kiến nghị đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình đến hết năm 2025.
Số vốn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2025 của từng dự án cụ thể sẽ được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Về việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, sự cần thiết, khả năng bảo đảm nguồn thu của ngân sách trung ương để tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Quốc hội đã quyết nghị cho phép giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.