Quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ giữa năm 2019 và áp dụng đến nay.
Trong tháng 4.2024, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã kế thừa quy định này khi đề xuất "cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người dân cho rằng, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp, cần thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.
Tại tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khoá XV do Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức chiều 17.5, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã nêu quan điểm về vấn đề trên.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an, rượu bia qua nghiên cứu của các nhà khoa học đã có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người.
Qua chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm điều tra xã hội học, tổ chức hội thảo, nghiên cứu tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 6.2022 đến 12.2023, 20% số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; trong đó 80% là lỗi của lái xe do uống rượu bia.
Ngoài số liệu liên quan đến tai nạn giao thông, hành vi của người khi sử dụng rượu bia còn liên quan rất lớn đến hành vi khác.
Thống kê điều tra xã hội học cho thấy, trong số 43.000 phạm nhân thì có đến 42.000 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia; tỉ lệ số nạn nhân chấn thương sọ não khi tai nạn do rượu bia cao hơn với người không sử dụng...
Theo đại diện Cục CSGT, Việt Nam tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn cao thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 29 thế giới, "là tỉ lệ rất đáng báo động". Việc sử dụng rượu bia dẫn đến tai nạn giao thông đều trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Chúng tôi đề xuất vẫn giữ quan điểm duy trì nồng độ cồn bằng 0 với người điều khiển phương tiện giao thông” - Thượng tá Minh nói và cho biết, khi văn hóa giao thông hình thành tốt, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu điều chỉnh quy định về nồng độ cồn cho phù hợp.
Trước những thông tin cho rằng, uống siro cũng lên nồng độ cồn, Thượng tá Minh khẳng định, nồng độ cồn do nước hoa quả, sirô chỉ một thời gian ngắn là hết. Người bị kiểm tra có thể ngồi nghỉ 10-15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại.
Trường hợp vẫn nghi vấn về kết quả xét nghiệm tại chỗ, đại diện Cục CSGT cho biết, người bị kiểm tra có thể yêu cầu đi xét nghiệm máu theo quy định.