Thưa ông, sự việc học sinh lớp 1 trường phổ thông liên cấp Gateway (Hà Nội) bị tử vong trên xe ô tô do bị bỏ quên khiến dư luận hết sức đau lòng, ông có suy nghĩ gì về việc này?
-Vụ việc học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong do bị quên trên xe đưa đón của trường là vô cùng đau lòng và đáng tiếc. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà trường. Trong đó, trực tiếp là người đưa đón trẻ, lái xe, giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm chủ tịch hội đồng trường, ban giám hiệu.
Tôi không thể tin được là có việc bỏ một học sinh 9 tiếng đồng hồ trên xe đưa đón để dẫn đến tử vong. Lái xe tại sao không kiểm tra xe, người đón trẻ tại sao không đếm, các bạn cũng không biết là có một bạn đang ở trên xe, giáo viên chủ nhiệm cũng không biết? Điều này là hết sức vô lý.
Việc xử lý đến đâu như thế nào là việc của các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra. Ai đến đâu, tội thế nào người đó phải chịu nhưng đây là hồi chuông cảnh báo, là báo động đỏ trong việc bảo vệ trẻ em.
Như ông vừa nói, đây là hồi chuông báo động đỏ trong việc bảo vệ trẻ em, ông có suy nghĩ gì về việc an toàn của trẻ em trong môi trường giáo dục?
-Rõ ràng, sau vụ việc, tất cả các trường phải xem lại quy trình giảng dạy, quản lý học sinh từ trong và ngoài trường thế nào để các cháu được an toàn nhất.
Vụ việc xảy ra thể hiện lỗ hổng trong quy trình đưa đón trẻ. Nó thể hiện sự thiếu đồng bộ về cơ chế chính sách trong việc quản lý các trường tư thục. Điều này dẫn đến hoạt động không bài bản, cần phải chấn chỉnh lại hoạt động của các loại hình trường trong giáo dục, đặc biệt là những trường gọi là trường quốc tế. Phải xây dựng một lộ trình khẩn cấp để bảo vệ học sinh, trẻ em, bảo vệ môi trường giáo dục Việt Nam.
Vừa rồi, Quốc hội quyết định giám sát về vấn đề xâm hại trẻ em. Nhưng vụ việc này có lẽ là rất điển hình và đau lòng cho việc trẻ em đang không được an toàn trong chính môi trường giáo dục.
Để tránh những sự cố tương tự, những sự cố đáng tiếc khác trong môi trường giáo dục, theo ông cần phải lưu ý những điều gì, thưa ông?
-Theo tôi không chỉ trường này mà các trường học trên cả nước phải được rà soát xem có lỗ hổng nào trong việc dạy học, quản lý học sinh. Đừng để việc xảy ra rồi mới chạy theo.
Phải chủ động xem lại những công đoạn trong quản lý giáo dục, cái gì dễ phát sinh tiêu cực, nguy hiểm dự báo trước. Để xảy ra rồi thì đã là quá muộn. Hậu quả nó sẽ rất đau lòng.
Việc dự báo trước để có quy chế, quy tắc, nội quy bắt buộc mọi người phải tuân theo. Thực ra đó là tuân theo những quy định của pháp luật một cách cụ thể.
Ông có ý kiến như thế nào về việc xưng danh quốc tế với các trường tư hiện nay, việc này cần có phải có rà soát gì không để thông tin được chính xác, thưa ông?
-Nếu các trường tư thục không phải trường quốc tế mà quảng cáo là trường quốc tế là không được. Từ đây cũng phải xác định trách nhiệm của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây phải rà soát lại quy mô trường lớp trên địa bàn cả nước xem những loại hình nào là hợp pháp, loại hình nào là bất hợp pháp.
Xã hội hóa giáo dục cần có lộ trình, thận trọng theo quy định pháp luật và phải có điều kiện mới quản lý được thống nhất.
Giờ đại học cũng nở rộ, mầm non, tiểu học trường công, trường tư, rồi các trường không rõ mô hình có được cấp phép không cũng hoạt động là rất đáng lo ngại, phải có chấn chỉnh. Đặc biệt là những trường tự đặt danh xưng là trường quốc tế mà chưa hề có kiểm định, tiêu chuẩn.
-Xin cảm ơn ông!