Chiều 22.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho TPHCM từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm có nguy cơ.
Báo cáo Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, đến nay thành phố chỉ còn 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị. Dù đạt được kết quả tốt trong công tác phòng chống dịch, song thành phố cũng đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế.
Để đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, TPHCM đã chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách vực dậy nền kinh tế theo tinh thần "vừa chống dịch, vừa đảm bảo đời sống sản xuất"; xây dựng lộ trình nới lỏng từng bước, nhưng phải kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng giám sát đồng bộ ở các khu vực có nguy cơ. Đặc biệt lưu ý đến các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, các cơ sở chăm sóc bảo trợ xã hội; tăng cường các biện pháp phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục giám sát, phát hiện các trường hợp mới tại các cơ sở y tế, khoanh vùng và xử lý triệt để nếu có ca nhiễm mới phát sinh; tái sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Thành phố cũng tăng cường đầu tư về nhân sự, trang thiết bị và có các chế độ chính sách phù hợp cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng và chống dịch.
Liên quan đến vấn đề vực dậy nền kinh tế thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, để giảm tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro doanh nghiệp đã triển khai vào ngày 6.4 vừa qua thì thành phố tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện phát triển bình thường mới sẽ được ban hành trước 30.4.
7 bộ chỉ số bao gồm: Bộ chỉ số an toàn trong trường học, ngành văn hóa - thể thao, giao thông vận tải, du lịch, công thương, vệ sinh thực phẩm và các khu vực công cộng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, ngoài chính sách chung của chính phủ, thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng và triển khai đồng bộ một số cơ chế chính sách đặc thù để tiếp tục đưa nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể là, gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn cùng chung tay chống dịch; gói hỗ trợ cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội; gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch bệnh và gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.