TPHCM triển khai chỉ thị 16: Khuyến khích mọi người tự nấu ăn ở nhà hoặc mua đồ ăn sẵn

Huyên Nguyễn - Chân Phúc |

Tối 8.7, UBND TPHCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM.

Cẩn trọng với nguy cơ thực phẩm bẩn trà trộn

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết: Khi nhiều người đổ dồn đi mua lương thực, thực phẩm bán nhanh khiến không loại trừ nguy cơ thực phẩm bẩn không đảm bảo trà trộn vào. Ngoài ra, thực tế, không phải nhà nào cũng có điều kiện bảo quản thực phẩm đúng cách.

Bà Phạm Khánh Phong Lan.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.

Trong khi đó, tất cả những hệ thống siêu thị và chợ đang hoạt động vẫn thực hiện việc xem xét nguồn gốc của các thực phẩm. Bà Lan cho biết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát. Người dân khi mua thực phẩm nếu phát hiện sai phạm, thực phẩm không đảm bảo an toàn thì báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.

Chiến lược ngành Y tế trong 15 ngày tới

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Trong thời gian vừa qua việc phòng chống dịch của TP đã đi đúng hướng và trong 15 ngày tới chúng ta cần triển khai các biện pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa. Việc phân công sẽ rõ ràng hơn, đã làm thì phải quyết liệt mà đạt được hiệu quả. Sở Y tế đã cùng với các sở ngành tập trung tối đa nguồn lực.

Mục tiêu cuối cùng của giãn cách là để hạn chế tiếp xúc, nên trong thời gian tới Sở Y tế sẽ tăng cường điều tra truy vết, phát hiện các ca F0. Việc thực hiện giãn cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện những mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng và tiến hành xét nghiệm.

Ngành Y tế sẽ cùng với các sở ngành liên quan thực hiện nghiêm việc chống lây nhiễm ở khu các ly. Với biến chủng Delta rất nguy hiểm, mức độ lây lan nhanh do đó ngành Y tế sẽ mở rộng khu điều trị trong tình hình hiện nay để tránh việc gây áp lực đối với khu điều trị.

Chiến lược là mở rộng các bệnh viện dã chiến để điều trị, ít nhất đảm bảo được 20.000 giường bệnh, có thể mở rộng lên 30.000 giường, đáp ứng nhu cầu trước mắt. Ngoài ra sẽ phân tầng điều trị: Cấp 1 dành cho đối tượng không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị COVID-19 ở 4 cửa ngõ) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện trung tâm thành phố).

Với lượng người nhiễm trong cộng đồng đang tăng lên thì sẽ tăng cường việc khám sàng lọc ở các cơ sở y tế từ đó để tiến hành truy vết trong cộng đồng. Đó là các biện pháp mà Sở Y tế sẽ tiến hành thực hiện trong thời gian tới.

Việc lấy mẫu diện rộng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Về việc lấy mẫu diện rộng, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng hiện TPHCM đã có chỉ đạo về việc lấy mẫu trên ngày, khi lấy mẫu dựa vào kết quả điều tra dịch tễ, trong các khu cách ly, khu phong tỏa là những vùng mà chúng ta buộc phải lấy mẫu và thực hiện nhanh.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Sau khi các khu cách ly, khu phong tỏa thì chúng ta mới mở rộng. Việc tầm soát diện rộng cũng phải đánh giá theo từng khu vực tùy thuộc vào việc đánh giá, điều tra dịch tễ. Ngoài việc xét nghiệm PCR thì hiện nay chúng ta đã áp dụng việc test nhanh và thực tế đã cho kết quả rất cao. Trong thời gian sắp tới, bên cạnh các phòng xét nghiệm thì Sở Y tế cũng trang bị thêm các thiết bị, máy xét nghiệm để đáp dứng đủ nhu cầu trong mọi tình huống.

Nguyên nhân hàng hoá tăng giá

Về hàng hóa tại TPHCM, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận những ngày qua việc mua sắm hàng hoá trở lên khó khăn hơn. Hiện 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối phải tạm đóng cửa.

Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do phải cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe ở nhà. "Rõ ràng, dù lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng", ông Phương nói.

Người dân xếp hàng đi mua sắm sau khi có thông tin Thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16.
Người dân xếp hàng đi mua sắm sau khi có thông tin Thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, khi có thông tin áp dụng Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều. Với hệ thống phân phối đang khó khăn, đặc biệt là hàng hóa từ các địa phương về TPHCM.

Các địa phương áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát như cách ly các thương lái đưa hàng hóa đi các tỉnh (7 ngày hoặc 14 ngày), có nơi yêu cầu xét nghiệm nhanh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR. Có xét nghiệm nhanh có hiệu lực 3 ngày, tài xế đưa hàng chỉ chậm trễ chút thời gian là mất hiệu lực 3 ngày xét nghiệm và bị kẹt lại.

Trong trường hợp xét nghiệm PCR thì buộc doanh nghiệp phải tìm tài xế thay thế. Trong khi đó, người dân đổ xô đi mua sắm không phải phục vụ cho nhu cầu bình thường mà để dự trữ hàng hóa.

Ngoài ra, ông Phương cho hay thời gian qua giá xăng tăng, thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao. "Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên", ông Phương nói.

Sở Công Thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. Ví dụ Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường. Trong khi đó, có rất nhiều hệ thống phân phối mà trụ sở chính hoặc cơ quan phải cách ly. "Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng. Nhưng người dân có tâm lý thoải mái trong ngày cách ly nên dự trữ nhiều, dẫn đến tình trạng như vậy", ông Phương cho hay.

Người dân TPHCM muốn ra ngoài cần giấy tờ gì?

Đại diện Công an TPHCM cho biết người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Thành phố sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt những đối tượng không thuộc diện được phép ra ngoài.

Đại diện Công an TPHCM.
Đại diện Công an TPHCM.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Thành phố sẽ có phương án cụ thể để xác định vấn đề này. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ lập lại 12 chốt kiểm soát giao thông.

Mong sự chia sẻ của người bán hàng mang đi

Nói thêm về việc tại sao cấm bán hàng mang đi, ông Dương Anh Đức cho biết không có quyết định nào toàn vẹn, khi ra quyết định TP rất cân nhắc.

Theo ông Đức, nếu cho bán hàng mang đi, các shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.

"TP thời gian qua đã nhận cái khó về phía mình khi đắn đo việc tạm ngừng từng loại hình dịch vụ. Đến lúc này phải đòi hỏi sự quyết liệt trong các giải pháp nên mong sự đồng cảm, chia sẻ của người dân", ông Đức nói.

Với những người có nhu cầu mua đồ ăn, ông Đức cho biết bản thân ông và gia đình cũng rất cần nhưng cần phải đặt mục tiêu phòng dịch của TP lên trên hết. Ông Đức khuyến khích mọi người tự nấu ăn ở nhà hoặc mua đồ ăn sẵn như mì tôm, phở gói…

Ca nhiễm trong khu công nghiệp vẫn trong tầm kiểm soát

Về tình hình lây nhiễm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Dương Anh Đức cho biết hiện nay, các ca dương tính trong khu công nghiệp, khu chế xuất là có và vẫn may mắn là ca nhiễm còn khu trú trong phân xưởng và đến lúc này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Một số nơi có phát sinh một số ca tương đối lớn là do chủng Delta có tốc độ lây rất ghê gớm. Phương hướng hiện tại của thành phố là cục bộ hóa sản xuất để nếu lây nhiễm thì sẽ khu trú trong một cộng đồng nhất định, ví dụ như trong ca, trong kíp, trong phân xưởng.

Phó chủ tịch cũng cho biết thực tế, có doanh nghiệp đã bị yêu cầu ngừng hoạt động vì chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Người dân và doanh nghiệp vận tải hàng hoá ra/vào TPHCM cần thủ tục gì?

Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết trên địa bàn TP, xe tải vận chuyển hàng hoá được phép hoạt động và phải đảm bảo phòng chống dịch.

Riêng xe ra/vào TPHCM từ địa phương khác thì được chia thành nhóm xe phục vụ xe chở lương thực, thực phẩm, xe chở công nhân, xe chở hàng hoá ra vào cảng, xe tải quá cảnh… sẽ thuộc đối tượng ưu tiên.

Các phương tiện này sẽ thuộc sự quản lý trước tiên của đơn vị chủ quản, có địa chỉ quản lý, lộ trình, có lái xe cố định đảm bảo yêu cầu…

Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp thông báo và cho dán mã QR Code lên phương tiện. TPHCM đã có văn bản triển khai giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Hiện Sở đã cấp cho khoảng 700 xe và đảm bảo những xe đã đăng ký sẽ được ra vào thuận lợi. Người đi trên xe vẫn phải đảm bảo yêu cầu có giấy xét nghiệm COVID-19.

Theo ông Đức, người dân bao gồm công chức, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý như nhau. Việc xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu thiết yếu được quy định trong Nghị định 117 năm 2020. Thẩm quyền xử phạt chủ tịch UBND cấp xã, chánh thanh tra sở y tế, trưởng phòng công an cấp tỉnh.

Giải quyết thủ tục hành chính có thể bị ảnh hưởng

Đối với vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức cho biết bản chất giãn cách là làm hoạt động của thành phố chậm lại để đuổi kịp, vượt lên và chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

Khi hoạt động chậm lại, đương nhiên có ảnh hưởng. "Trả lời không ảnh hưởng là không đúng, có ảnh hưởng phần nào đến tốc độ xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố sẽ bù lại bằng năng suất lao động để cố gắng giải quyết tốt nhất nhu cầu của người dân", Phó chủ tịch chia sẻ.

Các cơ quan, sở ngành sẽ tập trung, ưu tiên giải quyết vấn đề cấp thiết của người dân. "Có thể xảy ra trường hợp chậm trễ thì rất mong có sự chia sẻ của người dân khi lực lượng thành phố song song vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm của mình", ông Đức cho hay.

Về trách nhiệm của những cơ sở, địa phương để bùng phát dịch, Phó chủ tịch cho biết nếu do vô trách nhiệm, xao nhãng công việc để sự cố xảy ra đến mức phải truy trách nhiệm thì phải xử lý.

“Thời điểm xử lý cũng phải cân nhắc vì đang trong lúc căng thẳng chống dịch thì cần người lính ra trận”, ông Đức cho hay. Trước câu hỏi về xử phạt người vi phạm quy định phòng, chống dịch, ông Đức khẳng định bất kỳ ai vi phạm đều xử lý như nhau. Thành phố sẽ thực hiện xử phạt theo Nghị định 117/2020. Trách nhiệm xử lý cũng được quy định trong nghị định này.

Đóng cửa các quán ăn, không cho phép bán mang về

Trả lời câu hỏi về việc các quán ăn có được phép bán mang về hoặc giao cho shipper mang đi hay không, ông Đức giải thích rõ: Trong Chỉ thị 10 đã cấm dịch vụ bán tại chỗ và trong lần này dịch vụ này cấm luôn dịch vụ mang về.

Các shipper được phép vận tải hàng hoá, giao hàng lương thực, thực phẩm. Ảnh: Chân Phúc
Các shipper được phép vận tải hàng hoá, giao hàng lương thực, thực phẩm. Ảnh: Chân Phúc

Ông Đức giải thích rõ rằng cần hiểu ở 2 vế là ở những đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như siêu thị nếu bán đồ ăn mang về thì shipper có thể vận chuyển đồ ăn đó. Còn với các hàng quán thì không được phép. Điều này có nghĩa là các cửa hàng đồ ăn cũng sẽ phải đóng cửa.

Cửa hàng tạp hoá nào được bán?

Trả lời câu hỏi các cửa hàng tạp hóa có được bán không, ông Đức cho biết tạp hóa có nhiều loại, nếu bán những mặt hàng thiết yếu như thuốc men, lương thực thực phẩm thì được, nhưng nếu bán nồi, niêu, xoong chảo thì không được.

Liên quan vấn đề phát cơm từ thiện nếu đảm bảo các quy định không tập trung quá 2 người nơi cộng cộng thì mới được phép duy trì. “Về nguyên tắc thì TP không cấm nhưng nếu hoạt động phải đảm bảo việc không tập trung”.

Shipper có được hoạt động hay không?

Về mặt giao thông, TPHCM hạn chế giao thông, giao lưu không cần thiết trên đường nhưng vẫn đảm bảo dịch vụ vận chuyển các hàng hóa thiết yếu đảm bảo cuộc sống của người dân.

TPHCM cho phép các siêu thị vẫn hoạt động. Các hoạt động y tế và an ninh phải hoạt động ở mức cao nhất ở mức độ 100%. TPHCM quy định ngừng các hoạt động vận chuyển hành khách. Trong đó, các hoạt động liên quan đến vận chuyển hàng hóa bằng xe môtô vẫn được phép duy trì.

Khi ra đường phải giải thích được lí do ra ngoài

Mở đầu họp báo, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh lại Công văn khẩn số 2279/UBND-VX ngày 8.7 của UBND TPHCM về triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn TPHCM.

Trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội” nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng, UBND TP yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9.7.2021 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.

Ông Đức nhấn mạnh: Người dân chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết, ra đường phải nêu rõ được lí do ra ngoài. Đối với người từ TPHCM đi sang địa bàn khác thì cần phải thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, phải cách ly 7 ngày và xét nghiệm 3 lần.

Từ 0h ngày 9.7, TPHCM bắt đầu nâng mức giãn cách xã hội từ Chỉ thị 10 của Thành phố lên Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì họp báo. Ảnh Chân Phúc
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì họp báo. Ảnh Chân Phúc

Trước đó, tại cuộc họp về COVID-19 tối ngày 7.7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng trong thời gian 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9.7.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch. Phải xem đây là cuộc chiến thật sự, hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân. Đồng thời, người đứng đầu Thành phố cũng kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và tin tưởng vào chính quyền thành phố.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cuộc họp.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:
    Tên tài khoản: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Huyên Nguyễn - Chân Phúc
TIN LIÊN QUAN

Tắc nghẽn ở cửa ngõ ra vào TPHCM trước giờ G áp dụng Chỉ thị 16

ANH TÚ - KHÁNH LINH |

Sau thông tin TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 9.7, chiều ngày 8.7, cửa ngõ giao thông trên TL825 hướng TPHCM đi Long An đã xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trước khi tới chốt kiểm dịch COVID-19. Nhiều người phải quay đầu xe vì không có giấy xét nghiệm COVID-19 hoặc do giấy xét nghiệm không hợp lệ.

Giãn cách xã hội TP.Nha Trang theo Chỉ thị 16

Tăng Thúy |

Tỉnh Khánh Hòa ban hành lệnh cấm tắm biển; đồng thời yêu cầu TP.Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh bắt đầu từ 0h ngày 9.7 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Những điều người dân TPHCM cần lưu ý khi thực hiện Chỉ thị 16

Huyên Nguyễn |

Từ 0h ngày 9.7, TPHCM bắt đầu nâng mức giãn cách xã hội từ Chỉ thị 10 của Thành phố lên Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân đặc biệt lưu ý sự khác biệt để không vi phạm quy định.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Tắc nghẽn ở cửa ngõ ra vào TPHCM trước giờ G áp dụng Chỉ thị 16

ANH TÚ - KHÁNH LINH |

Sau thông tin TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 9.7, chiều ngày 8.7, cửa ngõ giao thông trên TL825 hướng TPHCM đi Long An đã xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trước khi tới chốt kiểm dịch COVID-19. Nhiều người phải quay đầu xe vì không có giấy xét nghiệm COVID-19 hoặc do giấy xét nghiệm không hợp lệ.

Giãn cách xã hội TP.Nha Trang theo Chỉ thị 16

Tăng Thúy |

Tỉnh Khánh Hòa ban hành lệnh cấm tắm biển; đồng thời yêu cầu TP.Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh bắt đầu từ 0h ngày 9.7 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Những điều người dân TPHCM cần lưu ý khi thực hiện Chỉ thị 16

Huyên Nguyễn |

Từ 0h ngày 9.7, TPHCM bắt đầu nâng mức giãn cách xã hội từ Chỉ thị 10 của Thành phố lên Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân đặc biệt lưu ý sự khác biệt để không vi phạm quy định.