Sáng nay 5.6, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Trịnh Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho biết, mô hình KTNN đang được phân theo khu vực. Trong đó, mỗi kiểm toán khu vực thường xuyên gắn với một địa bàn.
Đại biểu đặt vấn đề, vậy mô hình tổ chức này có đảm bảo độc lập, khách quan và liệu có nảy sinh mối quan hệ giữa kiểm toán khu vực và các địa phương không?
Trả lời về vấn đề này, Tổng KTNN cho rằng, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất.
Theo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng trong thanh tra kiểm tra, KTNN làm mạnh về việc luân chuyển, điều chuyển cán bộ.
“Trong 2-3 năm, chúng tôi đã chỉ đạo luân phiên công tác kiểm toán và chỉ đạo kiểm toán trong từng địa phương, từng khu vực nên hạn chế được quan hệ thân hữu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chú ý đến công tác luân chuyển từ trụ sở chính về khu vực, trong nội bộ khu vực, địa bàn… Hy vọng những giải pháp như vậy đã hạn chế được tối đa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ” - Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, mặc dù có sự cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, chia chác khoản tiền sai phạm đó để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi.
“Quan điểm của Tổng KTNN về ý kiến này như thế nào?” - đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn, có cần xây dựng một cơ chế thanh tra giám sát độc lập thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm quyền lực của KTNN được kiểm soát chặt chẽ.
Về nội dung này, ông Ngô Văn Tuấn thừa nhận có nhưng rất ít. Đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" và ngành kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực.
Hiện nay đã có quy định rất rõ những hành vi không được làm, nghiêm cấm của KTNN. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để làm sao kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ và tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này” - ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tổng KTNN nói thêm, với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán, quy trình quy chế về kiểm soát phòng chống tham nhũng của ngành đã tương đối đầy đủ từ vai trò trách nhiệm của từng kiểm toán viên.
Khi đi kiểm toán, kiểm toán viên phải ghi nhật ký từng ngày, ghi nhật ký điện tử và chuyển về cơ sở dữ liệu về để theo dõi.