Tổng Bí thư nói về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của đại biểu Quốc hội

Nhóm phóng viên |

Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV sáng nay (20.7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

Đúng 8h sáng ngày 20.7, Quốc hội họp phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Hà Nội. Báo Lao Động trân trọng tường thuật phiên khai mạc này.

9h40:

Quốc hội kết thúc phiên khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cảm ơn, tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

9h20:

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh QH.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh QH.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 12.7.2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ 8 để xem xét, quyết định xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Hội đồng bầu cử quốc gia đã nghe Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo báo cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Tiểu ban Nhân sự báo cáo về việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; đảm bảo yêu cầu dân chủ, đúng pháp luật. Việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tổ chức công khai, dân chủ, đúng pháp luật; các bước lập danh sách, công bố danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử được tiến hành đúng quy trình, thời gian theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, cử tri cả nước bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử theo đúng nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định tại Điều 78 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội đối với một trường hợp tại đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 của tỉnh Bình Dương. Như vậy, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được công bố vào ngày 10.6.2021.

Đến ngày 12.7.2021, việc tiếp nhận xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV như sau: Có 493 người không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Có 6 người trúng cử đại biểu Quốc hội có đơn phản ánh. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xem xét đơn phản ánh theo đúng quy định của pháp luật và kết luận các đơn phản ánh không đủ điều kiện để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, với tinh thần thận trọng, lắng nghe, để giúp Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo Hội đồng bầu cử quốc gia đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ thông tin trong các đơn phản ánh và khẳng định các thông tin nêu trong đơn là không có cơ sở. Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo và Tiểu ban Nhân sự đã thống nhất báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về việc 6 người có đơn phản ánh đều bảo đảm tiêu chuẩn, đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, với sự thống nhất cao, tất cả các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có mặt 100% biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận 499 người trúng cử đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

8h45:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn. Ảnh QH.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn. Ảnh QH.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 01 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 01 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Trong đó:

Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu: có 194 người trúng cử; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 301 người trúng cử; đại biểu tự ứng cử: có 04 người trúng cử. Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

Về cơ cấu thành phần: đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỉ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỉ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỉ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỉ lệ 2,81%); đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 203 người (tỉ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỉ lệ 59,32%).

Về trình độ chuyên môn: trên đại học: 392 người, tỉ lệ 78,56% (trong đó: Tiến sĩ: 144 người, Thạc sĩ: 248 người); đại học: 106 người (tỉ lệ 21,24%); dưới đại học: 01 người (tỉ lệ 0,20%).

Về học hàm: Giáo sư: 12 người (tỉ lệ 2,40%), Phó Giáo sư: 20 người (tỉ lệ 4%).

Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỉ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 02 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu.

Tỉ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

8h20:

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra, tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khoá XV tiến hành kỳ họp đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động Quốc hội.

Cách đây hơn 75 năm, chỉ mấy tháng sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nhân dân ta đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, nam nữ, chính kiến, đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan Nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Quốc hội.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trải qua hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn một cách tổng thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Về hoạt động lập hiến, từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Đây là những đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về quyền lực nhà nước; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hoạt động lập pháp ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới; nội dung tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề.

Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm; khắc phục những thiếu sót, hạn chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

“Việc quyết định các vấn đề quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng thực chất hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính - tiền tệ, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước; quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phê chuẩn điều ước quốc tế... phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Bí thư, về hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cũng không ngừng được đổi mới.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc từng bước được tăng cường. Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, tranh luận, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, thiết thực và trách nhiệm. Những chuyển biến, tiến bộ này xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan, đồng thời thể hiện Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình.

“Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng, Quốc hội cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

“Trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới. Muốn thế, một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

8h05:

Sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát rất phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, một số địa bàn, cơ sở, xã, phường, khu công nghiệp… phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, nhưng đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay và tỉ lệ cử tri đi bầu rất cao (đến 99,6%). Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm chính trị rất cao và niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Thành công của cuộc bầu cử càng khẳng định sức mạnh vô địch của Khối đại đoàn kết toàn dân tộc; càng khó khăn, thách thức thì tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của dân tộc, càng được phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến hết mình của của đội ngũ cán bộ ngành y tế, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, các lực lượng phục vụ công tác bầu cử; đồng thời trân trọng ghi nhận, biểu dương sự chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực, tự nguyện, có trách nhiệm của cử tri, đồng bào cả nước; sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, chu đáo, chuyên nghiệp, linh hoạt và sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp và cả hệ thống chính trị, đã tạo nên thành công của cuộc bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục có những điều chỉnh cả về mức độ và phương thức. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng chưa vững chắc và không đồng đều; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh; thị trường hàng hóa, tài chính - tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Video: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có nước ta, làm thay đổi cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển theo hướng đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chú trọng đầu tư và phát triển thị trường nội địa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, pháp luật; phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của các khóa trước, Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV cần nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ; và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại phiên khai mạc của Quốc hội hôm nay, tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TTBC
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TTBC

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp đầu tiên diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở một số địa phương, với khối lượng công việc nhiều, nội dung hết sức quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý và kỳ vọng rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Thành công của kỳ họp này sẽ là tiền đề, động lực rất quan trọng cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ khóa XV.

Quốc hội quan tâm sâu sắc, chia sẻ những khó khăn, thử thách rất lớn do đại dịch COVID-19 đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tận dụng thời gian đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết và chất lượng, góp phần vừa rút ngắn thời gian vừa đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

Quốc hội tiến hành công tác nhân sự ngay sau phiên khai mạc

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc vào sáng nay (20.7) tại Nhà Quốc hội.

Trước khi bước vào phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV trình Quốc hội số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Tiếp đến, các đại biểu thảo luận tại Đoàn về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội

Trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp đến, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu, sau đó Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu từ Ban kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội khoá XV sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tiếp theo chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi có kết quả công bố kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.


Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Tổng Bí thư sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội sáng mai

Phạm Đông |

Ngày 20.7, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến, tại Phiên khai mạc, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Nhân sự và những vấn đề nổi bật của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV

Nhóm PV |

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV sắp diễn ra, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ với nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần phải xem xét và quyết định. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Và để hiểu rõ hơn về những điểm nổi bật trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Phạm Đông |

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc ngày 20.7, bế mạc vào ngày 31.7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ 7.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Tổng Bí thư sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội sáng mai

Phạm Đông |

Ngày 20.7, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến, tại Phiên khai mạc, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Nhân sự và những vấn đề nổi bật của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV

Nhóm PV |

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV sắp diễn ra, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ với nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần phải xem xét và quyết định. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Và để hiểu rõ hơn về những điểm nổi bật trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Phạm Đông |

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc ngày 20.7, bế mạc vào ngày 31.7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ 7.