Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện về đạo đức, lối sống, lối làm việc và thẩm mỹ, hình thành công dân có tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo... Không chỉ chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn rất khuyến khích giao lưu, học hỏi văn hóa quốc tế để nâng cao sự tiến bộ và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Ông tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa, các tổ chức văn hóa phát triển.
Tư tưởng văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cô đúc một cách toàn diện trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của ông, thể hiện ở 4 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, nhấn mạnh vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa và việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát triển văn hóa, xây dựng con người đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
Thứ hai, khuyến khích đổi mới sáng tạo và sáng tạo không ngừng, tạo ra môi trường nơi các nghệ sĩ không chỉ làm sống lại những giá trị truyền thống mà còn mạnh dạn thử nghiệm, sáng tạo những tác phẩm mới mẻ, hiện đại, hội nhập nhưng không mất đi bản sắc riêng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”.
Thứ ba, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với ngành văn hóa. Chỉ đạo của Tổng Bí thư thường đi đôi với những chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ, giúp các nghệ sĩ có cơ hội phát triển tài năng, có điều kiện làm việc tốt hơn và an tâm sáng tạo. Chính từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Quốc hội đã tổ chức 2 cuộc hội thảo lớn về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa (2022), chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao (2024), chuẩn bị thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Cuối cùng, việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa. Tổng Bí thư từng phát biểu: “Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa; việc đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hóa... chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”. Vì thế, chỉ đạo của Tổng Bí thư chú trọng đến việc “xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”, ở đó, “công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật”.