Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 11 - NQ/TW

|

Ngày 15.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”:

Kính thưa Bộ Chính trị, Ban Bí thư,

Thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí.

Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) để phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị khoá XIII Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng. Sự có mặt đông đủ các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 14 tỉnh trong Vùng đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của chúng ta trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước. (Thời gian qua, chúng ta đã tổ chức một số hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Trung ương theo Lĩnh vực hoặc theo Ngành dọc; còn đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, hay nói cách khác là theo địa bàn, theo khu vực. Dự kiến tuần tới chúng ta sẽ tổ chức hội nghị tương tự để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp đó, từ nay đến cuối năm sẽ tổng kết, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về 4 vùng còn lại).

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị ở trung tâm Hà Nội cũng như tại các điểm cầu, đặc biệt là tại điểm cầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Mong các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí,

Ban Tổ chức Hội nghị đã báo cáo, phổ biến đầy đủ với các đồng chí về chương trình, nội dung, cách thức tiến hành Hội nghị. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã được gửi tới các đồng chí; nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu; các đồng chí cần nghiên cứu trực tiếp, kỹ lưỡng. Để giúp các đồng chí hiểu rõ hơn, sâu hơn, tôi chỉ xin gợi mở, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số vấn đề; và cũng chỉ tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? (2) Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?; và (3) Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị  đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

1. Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?

Như các đồng chí đã biết, về địa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh, nước ta chia thành 6 vùng, bao gồm: (1) Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. (2) Vùng đồng bằng Sông Hồng. (3) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. (4) Vùng Tây Nguyên. (5) Vùng Đông Nam Bộ; và (6) Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng. Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khoá trước cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ để đưa Nghị quyết vào cuộc sống; coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong Vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Thượng Lào, phía Đông giáp đồng bằng Sông Hồng, phía Nam giáp Bắc Trung Bộ; với tổng diện tích toàn Vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, với nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, với dân số toàn Vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước; nhân dân trong Vùng đoàn kết, cần cù lao động, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng, ngày 01.7.2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW; và Bộ Chính trị khoá XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khoá IX và khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng như nêu trong Nghị quyết và Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn yếu. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân chung của cả nước tiếp tục gia tăng. Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Hoạt động hợp tác, kết nối với các địa phương ngoài vùng, với các tỉnh của Lào và Trung Quốc còn khiêm tốn. Phát triển văn hoá - xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Một số phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước. Một số chỉ số về chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn ở mức thấp. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tình hình an ninh, trật tự trên một số lĩnh vực, tại một số địa bàn chưa thực sự vững chắc…

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển Vùng theo hướng: "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...". Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen...

Thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ - là vùng cơ sở cách mạng, vùng kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúng với truyền thống đoàn kết, thuỷ chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam ta, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết trong bài thơ Việt Bắc:

"Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?"...

2. Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?

Có 3 điểm mới đáng chú ý như sau:

- Một là, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo: Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn (chỉ 20 dòng) của Nghị quyết số 37-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi "địa đầu", "phên giậu", "lá phổi" của Tổ quốc; là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số; có truyền thống cách mạng vẻ vang; là "cội nguồn dân tộc"; và "cái nôi của cách mạng Việt Nam"; là nơi có các di tích gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc ta như di tích đền Hùng (Phú thọ), Hang Pác Bó (Cao Bằng), Cây đa Tân Trào và An toàn khu (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ (Điện Biên)…; đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thống nhất và có ý chí, quyết tâm cao. Điều này cũng đã được thể hiện rõ qua những câu thơ trong Bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu:

"Mười lăm năm ấy, ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà

Mình về mình có nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào".

Thời gian qua, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tập trung ưu tiên phát triển Vùng, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém (như đã nêu ở trên). Vì vậy, để tạo sự chuyển biến có tính đột phá, chúng ta phải nhận thức thật sâu và xác định thật rõ: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái lẫn quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Phát triển nhanh và bền vững Vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước; coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn là, và trước hết là về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.

Phải đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Chú ý phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế toàn vùng, từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng; hình thành các hành lang kinh tế, một số vùng động lực, các cực tăng trưởng; phát triển các chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp, nhằm tạo sự bứt phá cho toàn vùng; xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng một cách tích cực, có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với các địa phương của hai nước bạn có chung đường biên giới với nước ta.

Đồng thời, phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng; cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân, cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng giao thông và những địa bàn xa xôi, đặc biệt khó khăn; coi đây là vấn đề có ý nghĩa trọng yếu đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

- Hai là, về mục tiêu: Có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 37-NQ/TW chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010 thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng: Phấn đấu đến năm 2030, "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường"; và đến năm 2045 "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...".

- Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.

3. Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về trung du và miền núi Bắc Bộ?

Vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết của Bộ Chính trị gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ những kinh nghiệm và bài học thành công cũng như chưa thành công trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, và nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng thời gian qua, và để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

- Một là, về nhận thức: Phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng. Đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Đồng thời, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài" như tôi đã nhiều lần nói.

- Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.

Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương phải tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi địa đầu của Tổ quốc.

- Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hoá, cách mạng; sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân các nước bạn láng giềng.

- Năm là, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.

Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, đồng thời sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.

Thưa các đồng chí,

Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ sẽ cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa; đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì trung du và miền núi Bắc Bộ; Trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!

Một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, có nhiều niềm vui mới, niềm tin mới, khí thế mới, và thắng lợi mới!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

TIN LIÊN QUAN

Những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Yên Tử và công nhân than

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong chuyến thăm và làm việc hôm nay (6.4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử và thăm cán bộ, công nhân Công ty CP Than Vàng Danh tại TP.Uông Bí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm công nhân mỏ than Vàng Danh

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, sáng nay (6.4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, kiểm tra Công ty CP Than Vàng Danh – Vinacomin, tại TP.Uông Bí.

Tổng Bí thư chủ trì họp Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội

THEO TTXVN |

Ngày 1.4.2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Yên Tử và công nhân than

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong chuyến thăm và làm việc hôm nay (6.4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử và thăm cán bộ, công nhân Công ty CP Than Vàng Danh tại TP.Uông Bí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm công nhân mỏ than Vàng Danh

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, sáng nay (6.4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, kiểm tra Công ty CP Than Vàng Danh – Vinacomin, tại TP.Uông Bí.

Tổng Bí thư chủ trì họp Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội

THEO TTXVN |

Ngày 1.4.2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.