Những kỷ vật lịch sử
Ghi nhận của PV Báo Lao Động, những ngày này tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) lại có nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ngôi nhà như một kỷ vật quý giá chứa đựng sự thiêng liêng và sự tự hào của mỗi người Việt. Đây là một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Tại một góc phòng nhỏ trong căn nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945. Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngày nay, khu tầng 1 của ngôi nhà trưng bày nhiều hiện vật như bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các di ảnh, đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng. Khu tầng 2 - nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương - được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa là chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu, phủ khăn trắng. Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ Lâm thời. Một căn phòng khác trong tầng 2 chính là nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Căn phòng còn có 1 tủ nhỏ, 1 chiếc giường nằm nghỉ. Theo một số tài liệu, khi viết xong, Bác tổ chức họp để thông qua Tuyên ngôn Độc lập. Người nói: “Đây là giờ phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã viết nhiều, nhưng viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc lòng tôi sung sướng nhất...”.
Là một trong những thế hệ thanh niên ngày nay đến tham quan ngôi nhà, Trần Quỳnh Anh (SN 1998, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Những kỷ vật trong ngôi nhà còn được lưu giữ. Chúng tôi cảm thấy rất xúc động, vì từ địa điểm này, toàn bộ những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Người khởi thảo và thành văn. Tại đây cũng có một số tranh, ảnh và lời giới thiệu giúp thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh, điều kiện ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo 73 năm về trước”.
Bài học về đại đoàn kết dân tộc
Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam) cho biết: Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Hà Nội lựa chọn nơi ở, làm việc và thảo bản Tuyên ngôn Độc lập có giá trị thiêng liêng đối với lịch sử. Ngày nay, nhiều kỷ vật, hình ảnh còn được gìn giữ tại đây giúp nhiều người biết đến lịch sử cách đây 73 năm hơn.
Thế nhưng việc phát huy giá trị di sản, cách làm du lịch và giới thiệu của chúng ta còn chưa hết tiềm năng. Việc khai thác hiện nay cũng cần nhìn nhận lại sao cho đạt hiệu quả hơn. Theo ông Quốc, chúng ta đang chưa quan tâm đúng mức tới việc giới thiệu những câu chuyện, những chi tiết gần gũi tại di tích này.
“Ví như chúng ta cần phải giới thiệu được những chi tiết, những câu chuyện tại sao Bác Hồ lại ở đây? Bác chọn nơi này vì sao? Căn nhà giàu nhất ở phố giàu nhất của Hà Nội? Bởi Hồ Chủ tịch tin vào người dân. Bác Hồ tin rằng, người giàu cũng có lòng yêu nước. Người nghèo cũng có lòng yêu nước. Ai cũng có lòng yêu nước. Đó là cách đặt vấn đề về tinh thần đại đoàn kết dân tộc” - ông Quốc nhấn mạnh.
Nhà sử học cũng cho rằng, chúng ta cần tái hiện lại bối cảnh khi đó những người giàu có, những thương nhân bán vải trong gia đình này như thế nào. Tại sao khi đó, chủ cửa hiệu bán vải lại đi theo cách mạng. Những câu chuyện về gia đình đùm bọc, nhân dân chung quanh bảo vệ… “Tôi cho rằng, tự thân di sản đã có giá trị. Tuy nhiên cách khai thác sao cho tương xứng, không để cho di tích bị đơn điệu đi. Dấu ấn của Cách mạng Tháng Tám, dấu ấn của lịch sử trong những ngày trọng đại phải được quan tâm một cách đúng mức hơn” - ông Quốc nói.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Căn nhà này của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của ông Nguyễn Lương Bằng. Trong thời gian Bác Hồ về ở và làm việc tại căn nhà 48 Hàng Ngang, 1 tháng 3 ngày (từ ngày 24.8 - 27.9), gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Bác Hồ từng bày tỏ gia đình là ân nhân của cách mạng. Ngày nay, tại ngôi nhà này còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn với thời kỳ lịch sử của dân tộc cùng nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh.