Sáng 10.8, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về tiến độ loạt dự án hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Với dự án Vành đai 3 TPHCM đi qua bốn địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, dự án có chiều dài hơn 76km, với tổng mức đầu tư dự án hơn 75.300 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Công trình đã được các địa phương khởi công từ tháng 6.2023, với kỳ vọng cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Đoạn qua TPHCM thực hiện 4/10 gói thầu khởi công tháng 6.2023 hiện đạt khoảng 17,51% khối lượng. 6 gói thầu bắt đầu triển khai thi công cuối tháng 1.2024 đạt 5,1%.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt 13,7% khối lượng; đoạn qua tỉnh Long An đạt hơn 35,9% khối lượng. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 4,52% khối lượng.
Tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 cơ bản đạt tiến độ đề ra, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai hiện mới bàn giao đạt 32,6% mặt.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỉ đồng. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá dăm, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30.4.2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.
Đoạn qua tỉnh Đồng Nai đến cuối tháng 7 mới giao được hơn 53ha/151ha triển khai dự án thành phần 1 và khoảng 70ha đất cho dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tiếp tục "lỡ hẹn" hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58km, đi qua 3 địa phương: Long An, TPHCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỉ đồng.
Tính hết tháng 7.2024, sản lượng toàn dự án đạt trên 80%, chậm 8,6% so với kế hoạch do dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu, dẫn đến chậm tiến độ.
Tuyến cao tốc này dự kiến thông xe năm 2025, giúp kết nối Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ cũng như kết nối liên hoàn với các tuyến cao tốc chính như TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu, góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng.
Dự án Vành đai 4 đi qua TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dài gần 207km, đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 127.000 tỉ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương dự kiến khởi công vào quý III/2024. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt, công tác thực hiện hồ sơ phê duyệt thiết kế ranh giới giải phóng mặt bằng đạt 67%. Các địa phương còn lại dự kiến khởi công Vành đai 4 năm 2025.