Có vaccine nội, cả nước sẽ chủ động hơn
Thăm Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax - vaccine của Việt Nam) sáng 26.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, buổi làm việc nhằm tìm hiểu tình hình, chuẩn bị cho một hội nghị có tính hệ thống sau đó.
Cụ thể, Chính phủ sẽ làm việc với nhà nghiên cứu sản xuất chuyển giao công nghệ, nhà khoa học quản lý và nhà phân phối để tiếp tục giải quyết các vấn đề ách tắc trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiều vấn đề, như: vaccine phòng COVID-19 nội sử dụng công nghệ nào, chuyển giao từ đâu và độ tin cậy ra sao; nguyên liệu đầu vào tự sản xuất hay nhập khẩu; chất lượng vaccine được đánh giá ra sao; giá thành và số lượng sản xuất mỗi tháng nếu nghiên cứu thành công như thế nào...
“Vaccine có tính chất quyết định trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Chúng ta thấy nước nào tiêm được vaccine thì cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Với việc sản xuất được vaccine nội, ngoài giá thành giảm còn làm cho cả nước chủ động hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho biết vaccine Nanocovax là loại một trong 15 loại vaccine của 15 quốc gia vào lâm sàng giai đoạn 3, với công nghệ do công ty nghiên cứu làm chủ.
“Năng suất sản xuất hiện có thể đạt 8-12 triệu liều/tháng và có thể đạt tới 30-50 triệu liều/tháng vào tháng 10. Giá cả là 120.000 đồng và đang thấp nhất thế giới, giá này không thay đổi” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, hiện đơn vị có bốn nhà máy sản xuất vaccine. Với năng lực hiện tại, ông khẳng định hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng dịch cả nước. Trong tháng 7 sẽ chuyển sang giai đoạn 3c với 1 triệu người, ở cả miền Nam và miền Bắc.
Hiện mẫu vaccine của Nanogen đã được gửi cho Tổ chức Y tế thế giới WHO kiểm tra. “Tiêu chuẩn khi sản xuất vaccine của công ty là phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Qua các giai đoạn đã triển khai thử nghiệm đến nay, cho thấy không chỉ an toàn, vaccine còn đảm bảo tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ thực sự”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, vaccine của Nanogen đang làm chưa phải công nghệ đỉnh cao nhất nhưng cũng tương đối tốt so với thế giới.
“Công nghệ này có ưu việt là không gây phản ứng phụ, mặt khác cũng có một số hạn chế nhất định”, ông Long nói.
Tháo gỡ mọi vướng mắc
Thủ tướng hoan nghênh Công ty Nanogen đã chủ động đi thẳng vào vấn đề đất nước đang cần, liên quan đến sản xuất vaccine, sinh phẩm tham gia vào chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc sản xuất vaccine phải tuân thủ đúng quy trình của thế giới và Việt Nam. Bởi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Việc nghiên cứu, sản xuất cần chặt chẽ, an toàn, có tính khoa học, đặc biệt là hiệu quả. Hiệu quả bao gồm ngăn chặn được dịch bệnh, có chi phí cạnh tranh, được nhân dân ủng hộ.
Ông cũng đề nghị phải đẩy nhanh hơn các quy trình thử nghiệm lâm sàng. “Thay vì đi từng bước, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này chúng ta phải chạy, phải tăng tốc hơn. Công ty đã sẵn sàng, chủ động, tự túc kinh phí, các bộ ngành phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan tài chính, thủ tục liên quan”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ sẽ làm việc với các nhà sản xuất, chuyển giao, nhà khoa học, phân phối để giải quyết những ách tắc đang tồn tại trong vấn đề sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, nghiên cứu sao cho quy trình, thủ tục đơn giản đi, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cản trở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
"Thúc đẩy mọi quá trình nhanh nhất để phấn đấu có được vaccine nội nhanh nhất có thể. Tất nhiên vẫn phải đảm bảo tính khoa học, quy trình và hiệu quả. Việc đánh giá, cấp phép dứt quyết phải làm, nhưng các quy định, thủ tục hành chính cần cắt giảm nhiều nhất có thể để quy trình tốt hơn", Thủ tướng chỉ đạo.
"Nguyên tắc của Việt Nam là miễn phí cho toàn dân"
Thủ tướng nhấn mạnh, miễn dịch cộng đồng là yêu cầu rất lớn, nguyên tắc của Việt Nam là miễn phí cho toàn dân. Bên cạnh đó, tuổi đời của vaccine cũng còn là dấu hỏi, vaccine có chu kỳ nhất định chứ không thể miễn dịch cả đời.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Việt Nam phải chủ động trong sản xuất, không những năm nay mà nhiều năm tới nữa.
Vì vậy, chiến lược vaccine của Việt Nam là nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước. Đây là chiến lược vừa có tính chất trước mắt, vừa có tính lâu dài, phải đặt nền tảng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine một cách cơ bản, tổng thể, lâu dài và có chiến lược.
“Cố gắng sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể. Chúng ta đang cố gắng phấn đấu chậm nhất một năm nữa phải có. Còn nhanh hơn được nữa thì nhà khoa học, nhà quản lý phải tính toán. Lãnh đạo chỉ đưa mốc, có thể chưa sát với tình hình. Tóm lại phải thần tốc, thần tốc hơn nữa, kể cả về nghiên cứu, kể cả chuyển giao công nghệ, sản xuất và thủ tục hành chính kèm theo”, Thủ tướng nhắc lại.