Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19
Hội nghị được xem là một trong những diễn đàn thường niên có uy tín nhất ở Châu Á luôn thu hút sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao, chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước Châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực; vai trò và tiềm năng của Châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của Châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, Hội nghị "Tương lai Châu Á" lần thứ 26 quy tụ nhiều nhà lãnh đạo Châu Á, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Pakistan, Nepal, Phó Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cùng nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau.
Website của Hội nghị thông tin: Đại dịch COVID-19 đang thay đổi định hình của Châu Á. Trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của virus và chủ nghĩa dân túy gia tăng, liệu các nhà lãnh đạo Châu Á có thể mở đường cho kỷ nguyên hậu COVID-19 trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc hòa bình, ổn định và đa dạng? Liệu các nhà lãnh đạo có thể hợp tác trong các vấn đề quốc tế, bao gồm cả việc vượt qua các đại dịch trong tương lai?
Theo đó, Hội nghị "Tương lai Châu Á" năm nay sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19; tái kết nối các nền kinh tế khu vực; phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên hậu COVID-19 và vai trò của Châu Á trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Hội nghị sẽ gồm các bài phát biểu của lãnh đạo cấp cao các nước và các phiên thảo luận chuyên đề về: Tái kết nối khu vực thông qua các hoạt động trao đổi văn hoá; Châu Á và chính quyền mới tại Mỹ; Phát triển bền vững và những thay đổi ở Châu Á; và Những lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên COVID-19.
Đà phục hồi kinh tế ở Châu Á
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 4 ra báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với nhận định năm 2021 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh mẽ cho khu vực. IMF dự đoán nền kinh tế Châu Á tăng trưởng 7,6% trong năm nay, tăng so với mức dự đoán 6,9% vào cuối năm ngoái, với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia sẽ được hưởng lợi nhờ từ nhu cầu tăng mạnh của Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Jonathan Ostry - Phó Giám đốc phụ trách bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương của IMF - đà phục hồi kinh tế ở Châu Á sau đại dịch COVID-19 có thể vẫn không đồng đều trong ít nhất là 5 năm, với các nền kinh tế đang phát triển sẽ tụt lại sau trong dài hạn. Báo cáo của IMF dự đoán, tăng trưởng ở các nền kinh tế ASEAN giảm xuống còn 4,5%, do dịch COVID-19 vẫn cao ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Các quốc gia như Thái Lan và Campuchia tiếp tục bị ảnh hưởng bởi du lịch, trong khi cuộc khủng hoảng tại Myanmar có thể tác động mạnh đến sự ổn định khu vực.
Để ASEAN nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung vượt qua các tác động của đại dịch và đảm bảo phục hồi bền vững, ông Jonathan Ostry đưa ra một số đề xuất bao gồm: Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo vaccine được phổ biến rộng rãi và khắc phục tình trạng người dân vẫn còn do dự đi chủng ngừa; Tăng cường nguồn cung vaccine và khả năng quản lý để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế; Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm vào những nhóm có nhiều nguy cơ, cho đến khi nhu cầu tư nhân phục hồi hoàn toàn.
Trong những năm gần đây, Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ ta thường xuyên tham dự và phát biểu tại hội nghị, kết hợp thăm Nhật Bản, cụ thể: Thủ tướng Phan Văn Khải (2004), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2009), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (năm 2010 và năm 2013), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (năm 2011), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (năm 2012), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (năm 2014), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (năm 2015), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (năm 2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (năm 2018) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (năm 2019).