Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mở cửa nền kinh tế

Nhóm phóng viên |

Sáng ngày 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thời gian Thủ tướng làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm dự kiến kéo dài 90 phút.

Cơ hội đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới

Sáng nay, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, để làm rõ hơn một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình, quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ, nhất là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022; chia sẻ cảm thông sâu sắc và đồng tình ủng hộ công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn luôn trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ quan Quốc hội, các đoàn đại biểu, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhân dân dân cả nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực.

Chúng ta phải vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Qua đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được.

Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp. Thủ tướng cũng nêu rõ, trong “nguy” có “cơ”, tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân

Thủ tướng cho biết, qua thảo luận của Quốc hội và thực tiễn thời gian qua cho thấy, càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, một tài sản vô giá của đất nước, càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ, nhất là nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự yêu thương, đùm bọc và sức mạnh của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của Nhân dân ta được thể hiện đậm đà, sâu sắc trong những ngày tháng gian khó phòng, chống đại dịch theo lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin chia sẻ, cảm thông sâu sắc với đồng bào, đồng chí về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch COVID-19. Chúng ta tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân. Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ xin trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện và yêu cầu các cơ quan, chính quyền các cấp thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội để chung tay chia sẻ, góp phần giảm nhẹ phần nào những mất mát, đau thương, giúp những cá nhân, gia đình, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm ổn định đời sống tinh thần, vật chất và tích cực tham gia các hoạt động kinh tế xã hội.

Theo Chương trình chất vấn của Quốc hội, trong hơn 2 ngày qua đã có các Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời và tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường. Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết 128 được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời

Liên quan tới định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.

Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc. Có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em. Đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine. Tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KTXH), thực hiện kiểm soát rủi ro.

Thủ tướng cho biết, theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH phù hợp, hiệu quả.

Lộ trình mở cửa nền kinh tế với 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho Nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH.

Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động.

Các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng nêu rõ nhiệm vụ củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành; đồng thời rà soát, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho những nhóm đối tượng khó khăn nhất.

Đồng thời, chú trọng thực hiện các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao. Một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Chủ động ưu tiên tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ. Có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động.

Về vấn đề nhiều người người lao động về quê trong thời điểm dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo phân tích, đánh giá kỹ để có giải pháp cụ thể, trước mắt và căn cơ, lâu dài, bảo đảm các điều kiện cần thiết để ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch chuyển lao động an toàn, hiệu quả.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, nguyên nhân chính là do con người

Trả lời đại biểu về vấn đề chậm giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân của trung ương, có nguyên nhân của địa phương, nguyên nhân chính là do con người. Vì vậy cần tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng và huy động mọi nguồn lực để phát triển, gồm nguồn lực nhà nước và tư nhân. Trong đó lấy nguồn lực nhà nước làm vốn mồi dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng. Ngoài ra, cần có công nghệ để phát triển hạ tầng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Bên cạnh đó cần tính đến giải pháp trong quản trị hạ tầng, để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai minh bạch trong phát triển hạ tầng.

Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà về việc những chính sách hỗ trợ người dân còn bất cập, sắp tới có những giải pháp gì để khắc phục? Thủ tướng cho rằng, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là sau Nghi quyết 30 của Quốc hội. Nhưng đúng như các đại biểu nói là còn nhiều bất cập. Nói về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho biết, trước hết phải rà soát, đánh giá lại các chính sách đã thực hiện, xem điểm nào được, điểm nào chưa được. Đồng thời rà soát lại các đối tượng, phạm vi hỗ trợ, để trên cơ sở đó có căn cứ định ra chính sách phù hợp, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách, hay bỏ sót đối tượng.

Thủ tướng nêu 5 giải pháp để phát triển kết cấu hạ tầng

Đặt câu hỏi tới Thủ tướng, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng là mong muốn và kỳ vọng của cử tri với nhiệm kỳ Chính phủ để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi.
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ, những ngày qua đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận và chất vấn. Về hạ tầng, Thủ tướng cho biết có hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng giáo dục, hạ tầng chuyển đổi số... Đây là những vấn đề đặt ra cho nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng khẳng định, muốn có giải pháp phải tổng kết, rà soát xem việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua. Cần xem cái gì chúng ta đã đạt được, cái gì chưa làm được và nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu. Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển hạ tầng phù hợp; nhất là quy hoạch này gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn với chủ trương đường lối của Đảng tại Đại hội XIII.

Thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện thể chế, các quy định, quy trình liên quan đến phát triển hạ tầng. Cần xem cái gì còn vướng mắc, cái gì cần bổ sung để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để phát triển hạ tầng. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương lo; cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ lo. Điều gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ đề xuất với các cấp có thẩm quyền và Quốc hội để ban hành đầy đủ, từng bước hoàn thiện thể chế.

Thứ hai, chúng ta sẽ phân tích tại sao đầu tư công chậm từ đâu. Cái này có nguyên nhân của Trung ương và địa phương chứ không phải chỉ của riêng Trung ương hoặc địa phương. Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chính là do con người. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực trong phát triển hạ tầng.

Thứ ba, về nguồn vốn, chúng ta tiếp tục hoàn thiện, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng bao gồm cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực tư nhân. Trong đó chúng ta lấy nguồn lực Nhà nước làm vốn mồi, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng.

Thứ tư, chúng ta phải có công nghệ để phát triển hạ tầng và đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

Thứ năm, cần tính toán đến nhiệm vụ, giải pháp trong quản trị phát triển hạ tầng. Vấn đề quản trị thế nào để cho không lãng phí chống tiêu cực, minh bạch.

Việc học trực tuyến không thể kéo dài

Liên quan tới vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục. Mặc dù ngành giáo dục cùng cả nước đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học. Tuy nhiên, việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục...

Theo Thủ tướng, việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021. Với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là vùng khó khăn. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo điều hành, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách hỗ trợ thời gian qua còn nhiều bất cập. Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp để khắc phục tình trạng này và sắp tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ nào.

Về câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua nước ta đã thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30. Điều này tạo hành lang pháp lý rất quan trọng cho Chính phủ, các cơ quan có liên quan thực hiện, chủ động và tiếp tục đề xuất các chính sách theo thẩm quyền. Tuy nhiên, có thể nói việc thực hiện còn nhiều bất cập. Những ngày qua các đại biểu đã thảo luận và các bộ trưởng đã trả lời việc này.

Nói về những chính sách trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, trước hết chúng ta phải rà soát, đánh giá lại những chính sách đã thực hiện. Cần xem điều gì đã được, cái gì chưa được, nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó chúng ta cũng rà soát lại phạm vi, đối tượng và mức độ hỗ trợ; từ đó có căn cứ định ra những chính sách hỗ trợ có hiệu quả và tránh được tiêu cực. Cần tránh việc trục lợi chính sách, bỏ sót hoặc có những vấn đề đã được chỉ ra.

Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho phòng chống dịch

Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đặt câu hỏi chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Thủ tướng cho biết, dịch bệnh COVID-19 không những ảnh hưởng đến nước ta mà trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Sau 2 năm chống dịch thì chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta đã dần dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này, con virus này. Tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch.

Ví dụ thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất có thể.

Thứ hai là chiến lược xét nghiệm, con virus này không sờ không thấy, không ngửi thấy, không nhìn thấy, thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, phải an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan.

Thứ ba, phải điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngăn chặn chuyển bệnh nặng, giảm tử vong. Trên cơ sở này, Chính phủ hình thành công thức 5K + vaccine + công nghệ. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ kết hợp những phương pháp khác như kết hợp điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp. Đồng thời cần đề cao ý thức của nhân dân.

Thủ tướng cho biết đã tạm đúc rút ra lý thuyết để phòng chống dịch. Trên cơ sở đó chúng ta đã mạnh dạn, tự tin mở cửa. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, qua dịch bệnh đã bộc lộ những yếu kém hiện hữu là y tế dự phòng và y tế cơ sở thì phải củng cố. Cái quan trọng là nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực như đào tạo và thu hút. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì mất nhiều năm.

Trong đó, với ngành y để đào tạo được 1 bác sĩ phải mất 6 năm, chưa kể học thêm. Do đó, điều mà Thủ tướng lo lắng nhất là đào tạo nguồn nhân lực, cần tập trung cho vấn đề này. Đồng thời phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực này xuống cơ sở.

Nghiên cứu xây dựng quỹ cho phòng chống dịch và an sinh xã hội

Trả lời về mối quan tâm những tháng cuối năm, Thủ tướng nhắc đến một số vấn đề, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh đây sẽ là đột phá trong những tháng cuối năm.

Hiện, Chính phủ tích cực xây dựng đề án theo một số định hướng. Đầu tiên là nâng cao năng lực y tế. Quý III tăng trưởng GDP âm vì thực hiện các biện pháp hành chính chống dịch. Trong chương trình phục hồi phải nâng cao năng lực y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đáng chú ý, Thủ tướng nhắc đến việc xây dựng quỹ cho phòng chống dịch, quỹ an sinh xã hội. Hiện, theo quy định, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính. Việc thành lập quỹ theo luật pháp giúp chủ động hơn trong sử dụng.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập quỹ sẽ phải bàn và thống nhất cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung đầu tư vào con người, vì đây là nguồn lực lớn nhất, là vốn quý nhất. Ông nhấn mạnh con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển. Chính phủ cũng chú ý phục hồi hoạt động cho khu công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đầu tư vào hạ tầng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý bài toán đầu tư công còn đang khó giải ngân, thì liệu có gói kích thích kinh tế mới có giải ngân được không nếu đầu tư vào hạ tầng. Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng cần đầu tư vào hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp cận phòng chống dịch theo hướng toàn dân

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết hiện nay Việt Nam đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng về những kinh nghiệm, bài học rút ra được trong quá trình chống dịch vừa qua.

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, có 5 bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra từ đợt phòng chống dịch vừa qua.

Thứ nhất là cách tiếp cận phòng, chống dịch theo hướng toàn dân, lấy người dân là trung tâm và chủ thể phòng, chống dịch, từ đó triển khai các chính sách đều hướng tới người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động. Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã triển khai ngay biện pháp “mỗi xã, phường là một pháo đài chống dịch”, biện pháp này đã ghi nhận hiệu quả tích cực. Tuy vậy, khi tổ chức thực hiện cũng có một số địa phương hiểu sai bản chất, gây ách tắc, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Thứ hai, Thủ tướng cho biết việc phòng, chống dịch hiệu quả còn được hỗ trợ từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba, các địa phương đã ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh dù đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ. Khi nhận thấy năng lực y tế cấp cơ sở yếu, lập tức quân đội và công an được điều động bổ sung hỗ trợ. Theo Thủ tướng, dù vẫn còn một số hạn chế nhưng việc huy động quân đội và công an vào công tác phòng, chống dịch là một kinh nghiệm tốt.

Thứ tư, khi chưa đủ vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giúp người dân an tâm, phối hợp cùng chính quyền chống dịch. Trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh cải thiện, Thủ tướng cho biết sẽ có tổng kết để đưa ra bài học vận dụng về riêng vấn đề này.

Kinh nghiện thứ năm được Thủ tướng nhắc tới đó là ngoài việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam đã huy động được sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt trong vấn đề vaccine. Hiện nay, quá trình sản xuất vaccine trong nước cũng đang được thúc đẩy. Đã có 2 hội đồng độc lập với quản lý Nhà nước là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép được thành lập để tham gia vào quá trình sản xuất vaccine. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc sản xuất vaccine trong nước phải đảm bảo vấn đề an toàn.

“Vaccine là vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, nên chúng ta phải làm mọi biện pháp để đạt được. Có thể nói, chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vaccine, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước” - người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

134 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trong 2,5 ngày

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội kết luận sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi.

Chủ tịch Quốc hội cho biết có 13 thành viên Chính phủ liên quan tham gia làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, gồm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 12 bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã báo cáo làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn.

Theo tổng kết của Chủ tịch Quốc hội, trong 2,5 ngày chất vấn, có 134 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn (trong đó có 12 lượt đại biểu dành câu hỏi chất vấn Thủ tướng), 24 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn vấn đề.

“Trong 2,5 ngày có tổng số 171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường” - Chủ tịch Quốc hội cho biết việc chất vấn đã đổi mới, các đại biểu nắm chắc thực tiễn nên chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm và đưa ra giải pháp.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không né tránh vấn đề khó, phức tạp và nhận trách nhiệm về hạn chế của ngành, đưa ra cam kết khắc phục.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.

Thủ tướng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sau 2,5 ngày, 4 Bộ trưởng gồm: Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Đầu giờ sáng nay (12.11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 9h50 đến 11h20 ngày 12.11.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những tháng vừa qua công tác phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.

Trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác đã hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội…

Theo Thủ tướng, điểm nổi bật là trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Thủ tướng cho biết 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho hay, năm nay dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%.

Khẳng định mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng đưa ra một số chỉ tiêu dự kiến đáng chú ý trong năm 2022, đó là đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

Trong 2,5 ngày vừa qua, 4 thành viên Chính phủ đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Bổ nhiệm 3 Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Theo Chinhphu.vn |

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

100.000 máy tính bảng đã trao cho học sinh khó khăn học trực tuyến

Phạm Đông |

Về chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã trao được 100.000 máy tính cho các em khó khăn để học trực tuyến.

Giáo viên vừa thừa, vừa thiếu: Bộ trưởng Nội vụ nêu 3 giải pháp

Vương Trần |

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, qua rà soát thực tế có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Cả nước hiện nay còn thiếu 65.000 giáo viên.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Bổ nhiệm 3 Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Theo Chinhphu.vn |

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

100.000 máy tính bảng đã trao cho học sinh khó khăn học trực tuyến

Phạm Đông |

Về chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã trao được 100.000 máy tính cho các em khó khăn để học trực tuyến.

Giáo viên vừa thừa, vừa thiếu: Bộ trưởng Nội vụ nêu 3 giải pháp

Vương Trần |

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, qua rà soát thực tế có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Cả nước hiện nay còn thiếu 65.000 giáo viên.