Thủ tướng kêu gọi nhân dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch

THEO CHINHPHU.VN |

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 89/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Sáng 30.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp đột xuất về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do tình hình diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là tại các nước có chung biên giới với Việt Nam và tại một số địa phương trong nước. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo và phát biểu của đại biểu dự họp, ý kiến của hai Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:

Tại Việt Nam, sau hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, ngày 29 tháng 4 năm 2021 đã ghi nhận chùm ca bệnh với 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam và khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.

Trong 1 tháng qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 (Điện ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ; Công điện số 540/CĐ-TTg và số 541/CĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 81/TB-VPCP ngày 26 tháng 4 năm 2021 và số 82/TB-VPCP ngày 29 tháng 4 năm 2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam từ ngày 29 tháng 4 năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và thành quả to lớn rất ấn tượng về phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được thời gian qua của cả nước, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu như y tế, quân đội, công an…; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố liên quan đến chùm ca lây nhiễm bệnh vừa qua, khẩn trương, thần tốc truy vết nhanh, phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng gọn, điều trị tích cực; đồng thời kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đã trực tiếp gây ra ổ dịch bệnh ở Hà Nam, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết để bình tĩnh và sáng suốt, chủ động và sáng tạo, tích cực và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Đảm bảo các mục tiêu: (i) vừa phải phòng, chống dịch, khắc phục có hiệu quả, vừa phải phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn, an dân và ổn định chính trị, nhất là những nơi đang có dịch và có đường biên giới với các nước láng giềng; (ii) đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp ngày 23 tháng 5 năm 2021; (iii) phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội giao.

2. Kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyệt đối không được thỏa mãn với thành tích đã đạt được; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

3. Các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh khẩn trương thực hiện:

a) Thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; kiên quyết không để dịch lây lan nhanh.

b) Chủ động, sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, quốc phòng, công an đảm bảo hoạt động phòng chống dịch khẩn trương, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn.

c) Phát huy vai trò của tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, ủng hộ và tham gia phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.

4. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các giải pháp sau:

a) Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

b) Siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các đơn vị, cơ sở trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe, các địa điểm công cộng tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; khu du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở thờ tự của tôn giáo và các sự kiện tập trung đông người...

c) Tiếp tục thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, căn cứ điều kiện của địa phương và tình hình dịch trên địa bàn chủ động, linh hoạt, sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của mình để quyết định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhất là trong phòng, chống và khắc phục có hiệu quả dịch COVID-19.

5. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố:

a) Phối hợp với các địa phương khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; chủ động hỗ trợ điều phối, tổ chức thực hiện xét nghiệm trên diện rộng và kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác điều trị, đặc biệt với các trường hợp bệnh nặng hoặc vượt quá khả năng của địa phương.

b) Tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tổ chức mua, sản xuất, thực hiện tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm độ bao phủ tiêm chủng trên địa bàn, không để xảy ra gián đoạn công tác tiêm chủng, nhanh chóng thực hiện tiêm chủng vaccine có lộ trình khả thi, hiệu quả cho người dân.

c) Bộ Y tế tích cực tìm nguồn vaccine trên tinh thần chỉ đạo là: mạnh mẽ, chủ động, tích cực, kịp thời hơn nữa; tiếp cận với nhiều nguồn hơn nữa vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng và người dân. Nghiêm cấm không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tiêu cực…

6. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương chỉ đạo:

a) Rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện cách ly y tế, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung và từ cơ sở cách ly lây nhiễm ra cộng đồng; tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở và những nơi vi phạm, không thực hiện theo quy định và không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

b) Chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả cơ sở cách ly, điều trị và thực hiện nghiêm quy trình bàn giao, tiếp nhận trường hợp hoàn thành cách ly về địa phương để thực hiện các quy định tiếp theo; chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của nơi cách ly và tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước nếu để xảy ra sự cố liên quan đến dịch bệnh.

c) Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép.

d) Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7. Các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân không chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không để xuất hiện tình huống hoang mang trước diễn biến mới của dịch bệnh; khuyến khích thực hiện khai báo y tế tự nguyện, tiêm vaccine phòng dịch, thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch.

8. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chủ trì chỉ đạo; Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về nguy cơ, mức độ lây nhiễm, khi nào là có dịch và phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện, tình hình thực tế để quyết định các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

9. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hãy vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của Quốc gia, Dân tộc tự giác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống khắc phục hậu quả của dịch COVID-19.

THEO CHINHPHU.VN
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng: Bảo vệ người dám nghĩ, biết làm, dám hy sinh vì lợi ích chung

Phạm Đông |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.

Thủ tướng: Vừa phòng chống dịch có hiệu quả vừa phải phát triển kinh tế

Phạm Đông |

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc quản lý, theo dõi người cách ly y tế sau 14 ngày còn lỏng lẻo. Do đó, nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát dịch tiếp theo ở Việt Nam là rất lớn và khó dự báo, nhất là sau khi đã xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng như những ngày vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19

Phạm Đông |

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Sáng 30.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống COVID-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Chạy 42 km mỗi ngày trong cả năm nhưng từ chối nhận kỷ lục

Minh Anh |

“Tôi không cần kỷ lục, kỷ lục sẽ chỉ là của riêng tôi nhưng mục đích của tôi là muốn gây quỹ từ thiện và truyền cảm hứng vận động cho người khác. Đó mới là điều quan trọng", McKee chia sẻ.

Bên trong thế giới freelancer: Không phải ai cũng có thu nhập hấp dẫn

HẠNH DUY |

Không bị gò bó địa điểm, thời gian, không gian làm việc, freelancer có thể chủ động trong công việc của mình. Tuy nhiên, mức thu nhập của mỗi freelancer lại không giống nhau.

Chật vật xin việc khi doanh nghiệp ít tuyển lao động

ANH THƯ - LƯƠNG HẠNH |

Trên tay là bộ hồ sơ xin việc quen thuộc, chị Lương Ngọc Diễm (SN 2003, ở Quảng Hoà, Cao Bằng) đi lòng vòng trong Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để tìm công ty có nhu cầu tuyển người lao động.

Trung Quốc mở cửa trở lại và áp lực lạm phát toàn cầu

Ngọc Vân |

Trung Quốc - Công xưởng lớn nhất thế giới và quốc gia đông dân nhất - đã mở cửa trở lại sau 3 năm đại dịch, dẫn đến lo ngại gây thêm áp lực lạm phát toàn cầu.

Khiếp vía ở những con đường nườm nượp xe container và xe khách

Đinh Trọng |

Bình Dương - Hằng ngày trên Quốc Lộ 13, đường Mỹ Phước Tân Vạn và ĐT 743 nườm nượp dòng xe khách, xe container vận chuyển hàng hóa lưu thông. Những phương tiện chạy ẩu, vi phạm quy định đã gây ra nguy hiểm cho người dân đi xe máy. Nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra.