Đẩy mạnh chiến lược chống dịch COVID-19: Khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc

Phạm Đông - Tuấn Anh |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương trong cả nước thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần đẩy mạnh chiến lược phòng chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc.

Nhập khẩu vaccine COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ

17h36, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Chính phủ đã có 2 cuộc họp với các địa phương có dịch, các Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp thường xuyên. Nhờ tinh thần đó, đến nay tình hình dịch bệnh tại các địa phương cơ bản đã được kiểm soát, đặc biệt là các tỉnh như Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã không có thêm ca mắc mới. Những ca mắc mới đã được cách ly tập trung từ trước. Đây cũng là thành công rất lớn mà nước ta cần rút ra.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần, sự quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ y tế, ngành y tế, các địa phương nơi có ổ dịch xuất hiện đã quyết liệt thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, sáng tạo các biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương đã vận dụng Chỉ thị 05 của Thủ tướng trong chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ. Các đơn vị đã làm việc xuyên Tết không ngừng nghỉ, nhiều hình ảnh, tấm gương đã ở lại tâm dịch, chiến đấu phòng chống dịch đến khi hết dịch mới về. Trong đó, có hình ảnh nữ bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai bỏ lại việc gia đình, xung phong ở lại tâm dịch, điều này thực sự làm xúc động mọi người.

Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã chủ động thực hiện việc dừng các lễ hội tập trung đông người, dừng việc bắn pháo hoa. Cán bộ đã trực xuyên Tết để chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Đặc biệt nhiều công nhân ở phía Nam đã không về phía Bắc và miền Trung ăn tết. Nhờ thực hiện các biện pháp mà nhân dân đã được đón Tết an vui, an toàn, chuẩn bị quay trở lại làm việc bình thường.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong cả nước thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần đẩy mạnh chiến lược phòng chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Nhất quán thực hiện chống dịch hiệu quả, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh ở Thành phố lớn, những nơi có nhiều công nhân lao động.

Để kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống bình thường trở lại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là những nơi có ổ dịch có chương trình hành động cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh, nghiêm túc thực hiện thực hiện chặt chẽ như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Thủ tướng đồng ý dừng các lễ hội, hoạt động tôn giáo tập trung đông người. Xem xét việc đi học cụ thể ở các địa phương, có thể dừng không đi học, học trực tuyến; Bộ Giáo dục phối hợp với các địa phương thực hiện nội dung này. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, các nhà máy xí nghiệp phải có phương án phòng chống dịch trước khi quay lại sản xuất. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch. Thúc đẩy các hoạt động trực tuyến, rà soát triệt để các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, nhập cảnh trái phép, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và cách ly y tế. Ngành y tế các địa phương xét nghiệm lại các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Dù chưa kết luận chuyên gia là nguồn lây nhiễm nhưng rõ ràng có nhiều vấn đề cần lưu ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn nữa các khu cách ly, phong tỏa. Không để lây nhiễm chéo trong khu vực bị phong tỏa. Giao lực lượng quân đội đảm nhận các khu cách ly tập trung, phương án này được thực hiện như lúc đầu nước ta phòng chống dịch. Vấn đề phòng chống dịch phải đi từ cơ sở, không đặt vấn đề dừng sản xuất kinh doanh nhưng sản xuất kinh doanh phải đảm bảo an toàn.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang có dịch như Hà Nội, Hải Dương… thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương nhanh chóng dập tắt sớm dịch bệnh, trong đó có 13 tỉnh dù đã qua dịch nhưng vẫn còn có nhiều nguy cơ. Trước hết, Bộ Y tế cần tập trung công tác phòng chống dịch cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương để cùng các địa phương này có những biện pháp mạnh mẽ phòng dịch.

Trong đó, Thủ tướng đồng ý thực hiện việc giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương để ngăn chặn ổ dịch hiệu quả. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực mà Thành phố cho rằng có thể có khả năng lây nhiễm cao.

Qua vụ người Nhật Bản tử vong, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường khai báo y tế, phải siết lại biện pháp phòng chống dịch ở các cơ sở lưu trú. Đồng thời cần có một quy trình chuẩn để xử lý các ca nghi ngờ nhiễm COVID-19. Không chỉ ngành y tế mà tất cả các lực lượng cũng cần được phổ biến. Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống dịch mới trong tình hình mới.

Bộ Y tế cần chỉ đạo các đơn vị giải mã trình tự gen, chủng virus mới để có biện pháp phù hợp. Chúng ta đang nói tới virus Nam Phi, trong khi nước ta chưa có phương thức, một góc độ nào để xem xét vấn đề này, chúng ta cần nhanh chóng hơn trong việc này. Thủ tướng đồng ý rằng quy trình cần bảo chặt chẽ, rõ ràng, tránh hiểu sai, không để gây hoang mang nhưng không được để nhân dân chủ quan.

Thủ tướng đồng ý yêu cầu thực hiện khai báo y tế và tự đánh giá các tiêu chí an toàn. Khai báo y tế được đẩy mạnh, các biện pháp công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cho biết, các lực lượng quân đội, công an sẵn sàng phục vụ phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung trong quân đội, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Huy động các lực lượng, cựu chiến binh, công an để rà soát các đối tượng trong thôn xóm. Chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra.

Ngành y tế xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu và đồng chi trả để nhà nước và nhân dân cùng đóng góp. Ngành y tế và các ngành khác đảm bảo các sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng nhắc lại, ngành Y tế và ngành Truyền thông, các đơn vị công nghệ tiếp tục hoàn thiện công cụ khai báo y tế hiệu quả, thuận lợi cho người dân; các tổ chức, các đơn vị triển khai thực hiện. Phải có chế tài để người dân cài đặt phần mềm, truy vết trên cơ sở không lộ lọt thông tin cá nhân.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng các loại vaccine trong nước. Trong lúc này, nhập khẩu vaccine COVID-19 phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác về các loại vaccine, phối hợp với Bộ Tài chính, đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, còn những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đồng ý cho Bộ Y tế thực hiện Điều 26 Luật Đấu thầu. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định sớm để sớm có vaccine ở Việt Nam với các nguồn khác nhau. Đối tượng, giá cả, chất lượng… giao cho Bộ Y tế xử lý, cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng nêu việc nhiều doanh nghiệp, địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí mua vaccine. Tuy nhiên, phương án cuối cùng cần được trình duyệt để sớm có, đến mùng 6 Tết phải trình phương án. Về vấn đề học sinh đi học, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh, có hướng dẫn cho học sinh học trực tuyến để phòng chống dịch. Giao Bộ và các tỉnh thực hiện như Hà Nội và các địa phương khác đã làm. Thủ tướng cũng giao các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền nâng cao ý thức người dân mọi tầng lớp, lứa tuổi không chủ quan trước dịch bệnh. Tuy nhiên cũng không hoang mang, lo lắng quá mức. Các cơ quan liên quan đảm bảo mọi nguồn lực, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian tới. Các Bộ Nông nghiệp, Công thương và các địa phương đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm của nông dân, không để ứ đọng, giảm giá như Gia Lai, Hải Dương. Các Bộ Quốc phòng, địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, đường bộ, đường thủy; quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, gây nguy hại, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thủ tướng cho biết, việc tiếp nhận công dân từ nước ngoài về nước, nhất là những người bắt buộc về nước cần phải tính toán chặt chẽ. Việc này Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu, trình phương án sớm. Có thể thực hiện từng chuyến một, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Thủ tướng cho rằng nước ta đã có Tết bình yên cho nhân dân ở một số địa phương. Tuy nhiên lúc này các địa phương phải có sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thành ủy phải có phương án rõ ràng, sẵn sàng. Các địa phương chưa có dịch cũng phải thực hiện, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới, tỉnh có ổ dịch. Thủ tướng tin rằng địa phương có biện pháp mạnh sẽ ngăn chặn tối đa được đợt dịch thứ 3 này.

Cần mở rộng xét nghiệm nhưng phải xét nghiệm chính xác

17h04, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự đồng tình với việc giãn cách xã hội tại Hải Dương. Các địa phương có dịch cần dừng các lễ hội, không tập trung đông người, thực hiện khuyến khị của Bộ Y tế về thông điệp 5K. Người dân tuân thủ quy định đeo khẩu trang để phòng chống dịch. Các cơ quan chức năng giám sát cộng đồng, kiểm soát việc thực hiện cách ly, không để lây nhiễm trong khu cách ly; giám sát kiểm soát người nhập cảnh, các chuyên gia, cơ quan đại diện; những người nhập cảnh trái phép.

Ngoài ra, cần mở rộng xét nghiệm nhưng phải xét nghiệm chính xác, không để dương tính nhầm thành âm tính; nâng cao chất lượng xét nghiệm. Tổ chức cách ly, đảm bảo hiệu quả, không để người không bị nhiễm vào khu cách ly lại bị nhiễm bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với dịch bệnh như vấn đề vật tư, nhân lực, bệnh viện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết cần có kế hoạch cho công dân Việt Nam về nước. Với những người có nhu cầu, nhu cầu thực sự thì phải có giải pháp. Bởi hiện nay đã có một số người khó khăn, có khi bị trầm cảm vì không về nước được. Dù khống chế dịch nhưng vẫn phải đảm bảo việc phát triển kinh tế.

Nói về vấn đề mua vaccine, Phó Thủ tướng cho biết các bộ liên quan phải có văn bản thống nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Khi mua vaccine thì dùng nguồn tiền ngân sách của Nhà nước để mua. Điều này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân. Một mặt chúng ta huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cho nên việc này phải thống nhất. Thủ tướng đã cho chủ trương chung, còn bây giờ phải có văn bản cụ thể, thống nhất.

Ổ dịch tại Cẩm Giàng có thể không liên quan tới Chí Linh

16h58, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, 2 ổ dịch tại Quảng Ninh và Hải Dương độc lập. Ổ dịch tại Cẩm Giàng (Hải Dương) có thể không liên quan tới Chí Linh (Hải Dương).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang. Vấn đề đeo khẩu trang phải bắt buộc, quán triệt thực hiện nghiêm. Các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp thực hiện an toàn phòng chống dịch COVID-19. Việc này cần được triển khai quyết liệt.

Về vấn đề đi học, Phó Thủ tướng cho biết, nơi nào chưa nắm chắc tình hình dịch bệnh thì có thể cho học sinh nghỉ học hết tháng 2. Còn vaccine sản xuất trong nước thì cũng cần đẩy nhanh tốc độ hơn. Phó Thủ tướng cũng kiến nghị Thủ tướng biểu dương các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch trong những ngày Tết.

Hà Nội: Cho học sinh phổ thông trở xuống nghỉ học hoặc học trực tuyến đến hết tháng 2

16h15, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tất cả các khâu truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu và xét nghiệm đã được đảm bảo, theo kịp tình hình. Những ca F0 đã được xử lý triệt để. Hơn 10.000 tổ giám sát cộng đồng rất quan trọng, đã theo sát tình hình và thực hiện các khâu chống dịch. Trên cơ sở các biện pháp triển khai đã đảm bảo kiểm soát dịch, giúp cho nhân dân đón Tết ấm cúng, an toàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. - Ảnh: VGP
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: VGP

Ông Chu Ngọc Anh cho biết, với ca bệnh người Nhật Bản đã được thành phố vào cuộc như một ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngành y tế lấy mẫu kịp thời toàn bộ cho những người bên trong khách sạn với tốc độ nhanh.

Ngoài ra, Hà Nội đã lấy đủ mẫu của các nhân viên Cụm cảng Hàng không tại sân bay Nội Bài. Hà Nội đã xử phạt nghiêm ca bệnh 2009 khai báo không trung thực, những người không đeo khẩu trang.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm xác định được nguyên nhân ca bệnh người Nhật Bản. Hà Nội lo ngại tới đây hàng triệu người quay trở lại làm việc và học tập. Do đó, Hà Nội đã cho học sinh phổ thông trở xuống nghỉ học hoặc học trực tuyến đến hết tháng 2. Thành phố đề nghị nhân dân và phụ huynh chia sẻ để sớm dập dịch. Với các trường đại học, Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục cho sinh viên học trực tuyến, thay cho việc tập trung học tại lớp, tại trường.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết, đối với việc người từ các địa phương về, Hà Nội đề nghị các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ Thành phố trong việc khai báo y tế bắt buộc để kiểm soát. Trên địa bàn Hà Nội có các tổ COVID-19 cộng đồng, cảnh sát khu vực sẽ đến từng nơi để kiểm soát quyết liệt, đảm bảo mọi hoạt động của nhân dân trên địa bàn.

Hải Dương: Không giãn cách khó chặn được nguồn lây

16h, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tại tỉnh Hải Dương, ngày hôm qua cơ quan Thường trực đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế nhận thấy nguồn lây nhiễm trong cộng đồng của Hải Dương đang hiện hữu, có thể có nguy cơ lây nhiễm tiếp tục trong cộng đồng, không ngắt được chuỗi lây nhiễm này. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, tổng số mẫu xét nghiệm của Hải Dương đã lên tới hơn 90.000 mẫu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Mặc dù Bộ Y tế nhận thấy tốc độ truy vết, khoanh vùng, tốc độ giải quyết các trường hợp F1 vẫn chậm hơn tốc độ lây nhiễm của ổ dịch. Ông Long rất quan ngại với một số huyện của Hải Dương như Cẩm Giàng, Kinh Môn… hết sức đáng chú ý. Chí Linh đã được phong tỏa nên có thể tạm yên tâm.

Vấn đề tiếp theo là cần giải quyết vấn đề cách ly đối với Hải Dương. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực, cố gắng thực hiện cách ly tất cả F1 nhưng do dịch xảy ra nhanh, ở mức độ lớn nên việc cách ly F1 đối với Hải Dương hết sức khó khăn. Hải Dương đã phải tận dụng tất cả các cơ sở để có thể cách ly được. Do đó, Bộ Y tế nhận định, quan ngại có thể có sự lây nhiễm trong khu cách ly. Ông Long cho biết, sáng nay Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã họp và thống nhất và sẽ tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh. Nếu không thì sẽ rất khó chặn được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế lấy dẫn chứng việc giãn cách tại Đà Nẵng trước đó. Thời điểm đó khi tiến hành giãn cách xã hội, xét nghiệm kháng thể trong cộng đồng đã phát hiện ra một số trường hợp nhiễm bệnh mà trước đó không phát hiện được. Khi làm 5.640 mẫu đã phát hiện 38 mẫu dương tính. Do đó, việc giãn cách xã hội đã giúp cho tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng được kiểm soát. Chính vì vậy, Bộ Y tế hoanh nghênh Hải Dương trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Về vấn đề cách ly, Bộ Y tế nhận thấy nguy cơ lây nhiễm COVID-1 trong các khu cách ly của Hải Dương rất cao; vẫn có sự giao lưu, tụ tập trong khu cách ly. Do đó, Bộ Y tế đề nghị giao lại toàn bộ những điểm cách ly lớn cho quân đội quản lý từ việc vận hành đến giám sát.

Hai giả thiết cho ca bệnh tử vong người Nhật

15h45, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật tình hình dịch bệnh trong cả nước và đề xuất những giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ảnh: VGP
Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP

Cụ thể, từ ngày 25.1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 642 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh thành phố. Trong đó, cơ bản 12/13 tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh tại Hải Dương.

Đối với TP Hồ Chí Minh, từ ngày 2.2 đến nay không ghi nhận thêm ca mới. Số mẫu xét nghiệm đã rà soát nhóm có nguy cơ cao ở thành phố, với hơn 40.000 mẫu cũng chưa phát hiện trường hợp nào.

Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá cơ bản chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng như Bộ Y tế đã có phân tích, đánh giá có thể có mầm bệnh trong cộng đồng. Qua giám sát vừa qua thì nhận thấy nguy cơ đó ở mức độ thấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho rằng đối với Thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh thì có lượng người đi lại lớn, giao lưu phức tạp, có thể có yếu tố tiềm ẩn, hiện hữu trong cộng đồng nên Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần tiếp tục thực hiện việc giãn cách tại những điểm có ca bệnh.

Đối với Hà Nội, ông Long cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là ngày 13.2 có ca lây nhiễm và một người nước ngoài tử vong tại khách sạn. Trường hợp này đã qua thời gian cách ly tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 17 - 31.1, đủ thời gian, qua 2 lần xét nghiệm. Người này được cách ly tại khách sạn cùng với 34 người.

Qua trích xuất camera cho thấy đã cho thấy 14 ngày cách ly tại khách sạn đã thực hiện nghiêm việc cách ly, không có chuyện tiếp xúc với bên ngoài. Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương sáng nay cho thấy, người này có nồng độ virus ở mức khá cao. Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra 2 giả thiết và giả thiết đang được hướng tới nhiều nhất là trường hợp này mới lây nhiễm, có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội, không phải từ F0.

Sau trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện 2 trường hợp dương tính khác, xét nghiệm cho thấy nồng độ virus cũng ở mức độ cao. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết, Bộ Y tế đang cho giải trình bộ gen, sau 48 giờ sẽ có kết quả và có thể biết được chủng cũng như nguồn gốc của bệnh nhân này.

Giả thiết thứ 2 của ca bệnh này là lây nhiễm tại cơ sở cách ly. Điều này có thể xảy ra nhưng mức độ rất thấp. Những người đi cùng bệnh nhân người này đều cho kết quả âm tính. Do đó trường hợp này nghiêng về phương án 1.

Sáng nay Bộ Y tế đã trao đổi với Hà Nội, coi đây là trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng của Thành phố. Do đó cần triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch cần thiết như khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu ở một số khu vực bệnh nhân đã đến. Hà Nội tiếp tục đề cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ hơn. Đặc biệt cần theo dõi người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15.1 trở lại đây. Đối với các địa phương khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cơ bản đã ổn.

Các địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt hơn

15h, phát biểu mở đầu buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm ngoái Thường trực Chính phủ họp mùng 3 Tết, năm nay họp mùng 4 Tết để thấy tình hình dịch bệnh dù nước ta có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Do đó cần có những quyết sách, quyết liệt cụ thể hơn nữa để ngăn chặn, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch COVID-19 ở nước ta.

Cuộc họp hôm nay, các đơn vị sẽ được nghe Ban Chỉ đạo quốc gia trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các ngành đề xuất những biện pháp mới cần thiết.

Theo Thủ tướng, những ngày này xuất hiện ca mới ở Hà Nội, dư luận đang ồn ào việc một người Nhật tử vong. Vấn đề quan trọng nhất không phải dịch bệnh như thế nào mà là nguyên nhân nào và đặc biệt giải pháp nào trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian qua, dịch đã có những diễn biến nhanh, kể từ tháng 7, tháng 12 nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương nên ngành y tế, các địa phương đã chủ động, quyết liệt và triển khai kịp thời hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch. Trong đó, các biện pháp như tăng cường lực lượng, chỉ đạo trực tiếp, có những biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 chiều 15.2. Ảnh VGP

Trong dịp Tết Nguyên đán, nước ta đã có những biện pháp như Tết không xa nhà, hạn chế đi lại tối đa, dừng các hoạt động bắn pháo hoa, lễ hội, tập trung đông người… ở các thành phố lớn, kể cả các địa phương.

Đến nay, cơ bản các địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những biện pháp rất mạnh để xử lý tình hình tại địa phương mình. Tỉnh Quảng Ninh đã có những biện pháp tập trung cao, xét nghiệm diện rộng để kịp xử lý.

Đã có hàng ngàn cán bộ y tế được tăng cường cho các địa phương, cho những ổ dịch lớn.

“Tôi đã gặp lãnh đạo ngành y tế, y tế các địa phương để chuyển lời thăm hỏi, động viên cần thiết các chiến sĩ áo trắng. Chúng ta đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành, ngành y tế của các địa phương” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương mạnh dạn đề xuất một số vấn đề như vaccine. Thủ tướng khẳng định cần có vaccine trong tháng 2 và sau cuộc họp này Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để bàn phương thức cụ thể hơn để sớm có vaccine cho người dân.

Thủ tướng cho rằng vấn đề giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Các địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt hơn. Vấn đề dừng các lễ hội sau Tết, Hà Nội đã cho dừng lễ hội Chùa Hương. Các địa phương cần phải bàn vấn đề này, phải có quyết tâm để xử lý, không thể mất cảnh giác. Đặc biệt cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, trong đó có vấn đề đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Tiếp tục mạnh mẽ hơn, xử lý, xử phạt mạnh hơn, có chế tài cụ thể hơn như Hà Nội đã làm.

TP Hồ Chí Minh cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Tất cả những vấn đề này cần được thảo luận và kết luận tại cuộc họp hôm nay. Công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay cần cao hơn một mức mới, ngăn chặn có hiệu quả các đợt dịch đang diễn ra.

Tình hình dịch COVID-19 tại Hải Dương tương đối phức tạp

Trước đó, theo bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 lúc 6h sáng nay xác nhận 1 ca mắc mới (BN2229) là ca nhập cảnh.

- Ca bệnh 2229 (BN2229): Nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia công ty TNHH Mitsui, Việt Nam. Bệnh nhân nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam ngày 17.01.2021 tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh từ 17-31.1, có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 (vào các ngày 17 và 31.1). Ngày 1.2, bệnh nhân bay ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở quận Tây Hồ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 01-13.2, bệnh nhân đi lại, làm việc giữa khách sạn và công ty. Khoảng 19h ngày 13.2, bệnh nhân được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14.2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Nguyên nhân tử vong đang được điều tra làm rõ.

Tính đến 6h ngày 15.2: Việt Nam có tổng cộng 1330 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay: 637 ca.

Tính từ 18h ngày 14.02 đến 6h ngày 15.02: 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

- Số ca tử vong: 35 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 1.534 ca.

Tại tỉnh Hải Dương, xuất phát từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương quyết định sẽ triển khai các biện pháp cách ly xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0h ngày 16.2.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, tính đến hết ngày 14.2, tổng số ca mắc cộng dồn trên địa bàn tỉnh là 461 trường hợp. Trong đó, đã có 55 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện.

Các ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại 11 thành phố, thị xã, huyện của Hải Dương, trong đó Chí Linh là địa phương có số ca mắc cao nhất, tiếp đó là Cẩm Giàng, Kinh Môn.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương vẫn còn khó lường và có thể kéo dài. Trước tình hình đó, tỉnh Hải Dương thay đổi phương thức xét nghiệm không chỉ tại các khu cách ly nữa mà mở rộng ra toàn cộng đồng dân cư tại các khu vực đang bị phong tỏa, đầu tiên là tại tâm dịch thành phố Chí Linh.

Từ ngày 14.2, lực lượng lấy mẫu gồm hơn 100 người chia ra làm 15 tổ đến tất cả các điểm đang phong tỏa ở 19 xã phường của thành phố Chí Linh để lấy mẫu nhanh nhất có thể.

Phạm Đông - Tuấn Anh
TIN LIÊN QUAN

31 ca mắc COVID-19 mới ở Hải Dương, 2 ở Hà Nội

Thùy Linh |

Tối 14.2 (Mùng 3 Tết Tân Sửu), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 công bố thông tin về 33 ca mắc COVID-19 mới (BN2196-2228) ghi nhận trong nước tại Hải Dương (31), Hà Nội (2).

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết sẽ phải khai báo y tế thế nào?

Tùng Giang - Phạm Đông |

Những người dân trở lại Hà Nội sau Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ phải khai báo y tế cho Trạm y tế phường, xã hoặc khai báo trên phần mềm Bluzone.

Đề xuất học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ học để phòng dịch COVID-19

Bích Hà |

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có tờ trình đề xuất cho toàn bộ học sinh ở Hà Nội tạm dừng đến trường sau kỳ nghỉ Tết để phòng, chống dịch COVID-19.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

31 ca mắc COVID-19 mới ở Hải Dương, 2 ở Hà Nội

Thùy Linh |

Tối 14.2 (Mùng 3 Tết Tân Sửu), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 công bố thông tin về 33 ca mắc COVID-19 mới (BN2196-2228) ghi nhận trong nước tại Hải Dương (31), Hà Nội (2).

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết sẽ phải khai báo y tế thế nào?

Tùng Giang - Phạm Đông |

Những người dân trở lại Hà Nội sau Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ phải khai báo y tế cho Trạm y tế phường, xã hoặc khai báo trên phần mềm Bluzone.

Đề xuất học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ học để phòng dịch COVID-19

Bích Hà |

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có tờ trình đề xuất cho toàn bộ học sinh ở Hà Nội tạm dừng đến trường sau kỳ nghỉ Tết để phòng, chống dịch COVID-19.