Xin ông cho biết, quá trình nghiên cứu, xây dựng các chính sách vừa được ban hành trong Chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
- Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, là sự tích hợp nội dung của 3 Đề án.
Đó là: Đề án thu hút nhân tài gốc Việt về làm việc tại Việt Nam; Xây dựng chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương; Đề án “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và cơ chế phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, đặc biệt chú trọng tới đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài để tạo nguồn cán bộ lâu dài”.
Chiến lược này đã đặt ra nhiều giải pháp chính sách mạnh mẽ, thể hiện cam kết, quyết tâm trong việc thu hút, sử dụng nhân tài như thế nào?
- Tại Chiến lược này đã đặt ra nhiều giải pháp như: Thiết lập khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn; chính sách phát hiện, tiến cử nhân tài; chính sách đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân tài; chính sách về khen thưởng, tôn vinh và các chế độ đãi ngộ về nhà ở, chế độ tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú đối với nhân tài Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc...
Ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong Chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài là gì?
- Trước hết, Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách nhân tài, mà trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, địa phương; phải nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; thấy rõ vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; phải thật sự coi trọng nhân tài, phát huy tính tích cực, năng lực sáng tạo, đổi mới của nhân tài; gắn với đó là trách nhiệm trong phát hiện, tiến cử nhân tài; trong bố trí, sử dụng nhân tài.
Thứ hai, Chiến lược đã đề ra các giải pháp chính sách đồng bộ, mạnh mẽ, đột phá trong thu hút, sử dụng nhân tài. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược riêng về thu hút, trọng dụng nhân tài một cách toàn diện trên các lĩnh vực...
Thứ ba, bên cạnh các giải pháp chính sách cụ thể, Chiến lược còn đề cao việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân tài Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài thông qua việc tuyên truyền một cách đầy đủ, kịp thời.
Xin cảm ơn ông!