Thông báo Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN

B.T.S |

Sáng 16.8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới; đánh giá kết quả công tác 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.

Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh:

I. Kết quả 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

1. Kết quả đạt được:

Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả ngày càng nâng cao.

Ban Chỉ đạo đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, chọn những khâu yếu, việc khó, có nhiều khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời chú trọng các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ, đồng bộ, tạo bước tiến vượt bậc, toàn diện trong công tác PCTN; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước. Với những kết quả nổi bật:

1.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

Ban Chỉ đạo đã đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh, với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; hình thành cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; ban hành cơ chế phối hợp giữa cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương; phân công các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chế độ thường xuyên hội ý, giao ban để chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm.

1.2. Ban Chỉ đạo đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Nhất là, đã chỉ đạo khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tổ chức 40 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc đã kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về PCTN trong lĩnh vực thuế và hải quan; rà soát hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại nhà nước; chỉ đạo rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán.

1.3. Tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý).

1.4. Tích cực chỉ đạo tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hơn 60 nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN, nhất là: Chỉ thị 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Quy định số 85-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử...

Chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành 113 Luật, pháp lệnh, 90 Nghị quyết về các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đấu thầu...

1.5. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCTN; công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng; quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 hội nghị toàn quốc (năm 2014 và năm 2018) để tổng kết, đánh giá về công tác PCTN; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.

1.6. Ban Chỉ đạo quan tâm xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác; hoạt động nền nếp, bài bản, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; tổ chức 14 phiên họp và 5 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội ý, làm việc để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; quan tâm chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Hầu như cứ sau mỗi phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, hội ý của các đồng chí lãnh đạo thì tình hình thực tế lại có bước chuyển biến mới rõ rệt. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc công tâm, khách quan, tích cực, trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, đổi mới, chủ động, sâu sát, quyết liệt trong tham mưu, đề xuất, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Kết quả trên khẳng định, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là quyết định đúng đắn, cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCTN.

Qua 5 năm hoạt động, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn, cách làm quyết liệt, phù hợp của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, "đúng vai, thuộc bài". Duy trì đúng lịch các phiên họp của Ban Chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp của tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường xuyên hội ý, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc; trong trường hợp cần thiết, đề nghị thành lập BCĐ riêng từng vụ án.

Hai là, sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, nhất là giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Ba là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; kỷ luật Đảng đi trước, kỷ luật hành chính của Nhà nước đồng bộ, tương xứng với kỷ luật Đảng; làm tiền đề quan trọng để các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm về hình sự.

Bốn là, phát hiện, tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc; chọn lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, đến cùng; kịp thời thay thế, bố trí cán bộ phù hợp.

Năm là, phát huy vai trò của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, nhất là tổng hợp, theo dõi, khâu nối, đôn đốc, tham mưu, đề xuất các hoạt động của Ban Chỉ đạo, thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.

2. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

2.1. Khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các khâu, các lĩnh vực còn yếu, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong PCTN;

2.2. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo hành lang chính trị, pháp lý đồng bộ, chặt chẽ để PCTN có hiệu lực, hiệu quả;

2.3. Tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm chính, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới;

2.4. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế theo Kế hoạch;

2.5. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN;

2.6. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.

II. Kết quả công tác 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018

1. Kết quả đạt được:

Trong 7 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác; hầu hết các công việc được thực hiện theo kế hoạch, có việc vượt yêu cầu đề ra, nhất là:

1.1.  Chỉ đạo xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 12 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội ban hành 7 Luật, 8 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 102 nghị định, 30 quyết định về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; nhất là Quy định số 01-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác PCTN; Luật Tố cáo (sửa đổi). Xây dựng, hoàn thành các Đề án quan trọng theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.

1.2. Tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 1 tổ chức Đảng và 14 đảng viên diện Trung ương quản lý; khẩn trương kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm đối với 5 dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

1.3. Tập trung chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/76 bị cáo. Đặc biệt, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời 5 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ([1]). Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao ([2]).

1.4. Tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc công tác PCTN và chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN.

1.5. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã chú trọng tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình công tác năm 2018; chủ động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác PCTN tại 17 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 24 địa phương.

2. Về nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2018:

2.1. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc công tác PCTN; các văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước về PCTN; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp;

2.2. Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là sửa đổi Luật PCTN, Luật Công an nhân dân; ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Giám định tư pháp để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;

2.3. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo. Hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số cấp ủy cấp huyện và cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng ở cơ sở;

2.4. Tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm 8 vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo;

2.5. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2018 của Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục quan tâm kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách;

2.6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. Tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thành các đề án theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.

III. Về kết quả xử lý các vụ việc, vụ án:

Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 7 vụ án, 5 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 2 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 30 vụ án, 23 vụ việc thuộc diện tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung 1 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

B.T.S
TIN LIÊN QUAN

Phòng, chống tham nhũng: Không chỉ hô khẩu hiệu là đủ

HUYÊN NGUYỄN |

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), nếu chỉ hô khẩu hiệu mà không nhận diện được tham nhũng, không có cán bộ trong sạch, tài giỏi nhận ra tham nhũng thì cuối cùng tham nhũng vẫn hoành hành.

Chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo chương trình phòng chống tham nhũng

M.Q |

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong sẽ trực tiếp chỉ đạo chương trình phòng chống tham nhũng, công trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh...

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng: Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

PV |

Đó là chỉ đạo của ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm với Ban Nội chính 63 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 18.7.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Phòng, chống tham nhũng: Không chỉ hô khẩu hiệu là đủ

HUYÊN NGUYỄN |

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), nếu chỉ hô khẩu hiệu mà không nhận diện được tham nhũng, không có cán bộ trong sạch, tài giỏi nhận ra tham nhũng thì cuối cùng tham nhũng vẫn hoành hành.

Chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo chương trình phòng chống tham nhũng

M.Q |

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong sẽ trực tiếp chỉ đạo chương trình phòng chống tham nhũng, công trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh...

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng: Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

PV |

Đó là chỉ đạo của ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm với Ban Nội chính 63 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 18.7.