Thể chế dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa trong buổi đầu khởi dựng nhà nước Cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Tạp chí Cộng sản |

Vào lúc nhiều nơi trên thế giới vẫn bị bao phủ bởi chính trị cường quyền của  chế độ phong kiến chuyên chế, thực dân bạo ngược hay cộng hòa tư sản thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa. Nhà nước cách mạng Việt Nam do Người sáng lập thể hiện đầy đủ diên cách và cốt cách của một thể chế dân chủ hiện đại, dựa trên nguyên tắc pháp quyền, có sức hấp dẫn đối với nhân dân, có khả năng huy động, tập hợp, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng, kiến thiết đất nước.

Chỉ một ngày sau khi tuyên bố trước quốc dân về nền độc lập dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để hình thành một bộ máy chính quyền được quyết định  bằng ý chí của nhân dân. Dù phải căng sức ứng phó với muôn vàn khó khăn, thách thức của “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội (ngày 6-1-1946). Thành công của tổng tuyển cử đã đưa đến việc thành lập Chính phủ chính thức, khẳng định tính chính đáng, hợp pháp của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Tạp chí Cộng sản.
PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Tạp chí Cộng sản.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban soạn thảo Hiến pháp được thành lập, có nhiệm vụ khẩn trương, tích cực xây dựng Hiến pháp, khẳng định chủ quyền của nhân dân và thực hiện quản lý đất nước bằng Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã thể chế hóa  các quan điểm, tư tưởng lập hiến, lập pháp của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời nói đầu của Hiến pháp long trọng khẳng định: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và xây dựng nước nhà trên nền tảng dân chủ”[1]. Hiến pháp xác định các nguyên tắc cốt lõi là: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Nguồn sáng của thể chế dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa bắt nguồn từ tinh thần “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” (“Việt Nam yêu cầu ca”) và tư tưởng xây dựng một chính quyền của “dân chúng số nhiều” (“Đường Kách mệnh”) mà Bác Hồ đã khởi xướng từ những tháng năm tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng. Thể chế dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa trong buổi đầu khởi dựng Nhà nước cách mạng Việt Nam chính là sự tiếp nối tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đặt trong bối cảnh nhân dân ta còn khoảng 90% dân số mù chữ, cả dân tộc phải dồn sức chống thù trong, giặc ngoài, mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi tạo xây dựng thể chế dân chủ hiện đại, dựa trên nguyên tắc pháp quyền, thì đó quả là một tư tưởng vượt lên hoàn cảnh, vượt trước thời đại. Thể chế dân chủ ấy được xây dựng dựa trên niềm tin tuyệt của nhân dân đối lãnh tụ Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, được nuôi dưỡng bởi giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam vốn bị dồn nén trong thời kỳ thống trị của chủ nghĩa thực dân và bùng lên mạnh mẽ khi có tự do, độc lập. Đó là một thể chế mà cách thức tổ chức và vận hành là vì nhân dân; mỗi người dân đều ý thức được quyền của chính mình nằm chung trong quyền của dân tộc, tham dự vào công việc quản lý nhà nước, xây dựng chế độ mới bằng trách nhiệm cao cả, nghĩa vụ tự giác, tình cảm thiêng liêng, thể hiện trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Chính quyền cách mạng non trẻ được nuôi dưỡng bởi nguồn lực, sức mạnh của nhân dân, được cộng hưởng, nhân lên gấp bội khi mỗi người tự ý thức bổn phận, trách nhiệm vì quốc gia độc lập, vì dân tộc trường tồn. Tài chính khánh kiệt, ngân khố trống rỗng đã được bù đắp nhanh chóng bằng nguồn lực đóng góp tự nguyện của nhân dân thông qua “Tuần lễ vàng”. Thể chế dân chủ khiến các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực trong nhân dân được khơi thông, phát huy cao độ để phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết kêu gọi đồng bào ai có tài năng và sáng kiến lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ và Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ càng, nếu thực hiện được thì cho triển khai ngay. Trong một bài viết đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 14-11-1945, Người khẳng định: “kiến thiết cần có nhân tài”. Một năm sau, Người gửi thông điệp tìm người hiền tài đến khắp mọi vùng miền, địa phương: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”[2]. Người yêu cầu các địa phương phải điều tra, báo cáo ngay cho Chính phủ biết những nhân tài chưa được trọng dụng (tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở), hạn một tháng phải báo cáo đầy đủ. Với tinh thần dân chủ và trọng dụng hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được đông đảo nhân sĩ, trí thức, người hiền tài phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, xây dựng một Chính phủ đoàn kết, hạn chế âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực ngoại bang và phản quốc.

Chính phủ lâm thời sau khi thành lập trải qua nhiều lần cải tổ thành chính phủ liên hiệp, tập hợp đông đảo nhân sĩ, trí thức không đảng phái, lực lượng trung gian để xây dựng chính phủ đoàn kết dân tộc. Dân chủ trong hoạt động của Chính phủ, của Quốc hội đầu tiên giúp cho đội ngũ cán bộ được dịp khẳng định bản lĩnh chính trị, bộc lộ trí tuệ, tài năng, đạo đức trước nhân dân. Dân chủ trong tranh luận những vấn đề quốc gia đại sự, liên quan đến tồn vong của quốc gia - dân tộc, với bản lĩnh, trí tuệ và thực tiễn dày dạn, những người cộng sản đã xác lập và khẳng định vai trò lãnh đạo bằng khả năng dẫn dắt, sức thuyết phục, đặc biệt là vai trò, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ít người không đảng phái, lực lượng trung gian từ chỗ còn hoài nghi, nhưng qua tranh luận, qua khả năng giải quyết thuyết phục những bài toán hóc búa mà thực tiễn đặt ra lúc bấy giờ, đã từng bước tin tưởng, nể phục, thừa nhận vai trò lãnh đạo của những người cộng sản. Với phong cách dân chủ, những người cộng sản thực hiện vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền một cách đầy thuyết phục, không chỉ cảm hóa, tập hợp, cuốn hút những người yêu nước chân chính tin và đi theo, mà còn hạn chế sự chống phá của các lực lượng chính trị thân Tưởng (Việt Quốc, Việt Cách).

Trong những ngày đầu cách mạng, dù vẫn phải điều hành đất nước bằng sắc lệnh, chưa có điều kiện xây dựng các đạo luật, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc pháp quyền nhân nghĩa trong quản trị nhà nước, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nghiêm trị mọi hành vi đi ngược lại bản chất của Nhà nước cách mạng, xâm phạm đến lợi ích Tổ quốc, lợi ích nhân dân. Ngày 23-11-1945, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và giao trọng trách cho những người có uy tín, đạo đức, công tâm để nghiên cứu, xem xét, giải quyết đơn thư của nhân dân, giám sát cơ quan chính quyền các cấp, xử lý nghiêm các sai phạm. Quốc lệnh do Người ký ngày 26-1-1946 xác định: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[3], quy định rõ 10 trường hợp thưởng và 10 trường hợp phạt. Nguyên tắc pháp quyền nhân nghĩa đã góp phần bảo vệ kỷ cương, phép nước, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp mọi hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Nguyên tắc pháp quyền nhân nghĩa thể hiện rõ ở từng điều khoản của Hiến pháp năm 1946 với chế định tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ đại diện thông qua nghị viện nhân dân thì Hiến pháp còn quy định cụ thể những quyền dân chủ trực tiếp, như “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều 21); “Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra” (Điều 24); “Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe” (Điều 30)… Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền ccon người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của Nhà nước theo Hiến pháp năm 1946 bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước, thực hiện chủ quyền của nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi, bảo vệ các nguyên tắc pháp quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo nên tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa làm nền tảng cho xây dựng và thực thi pháp luật dựa trên đạo lý, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Khác với Hiến pháp và pháp luật các nước tư bản phục vụ cho sự cai trị của giai cấp tư sản, Hiến pháp và pháp luật trong chế độ ta là vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trấn áp mọi hành vi xâm phạm lợi ích Tổ quốc, lợi ích chính đáng của toàn thể nhân dân. Thời gian đầu vận hành của Nhà nước cách mạng vẫn còn những ý kiến khác nhau về xử lý mối quan hệ giữa chính trị và chuyên môn, hành chính và tư pháp, nhất là giữa những người được đào tạo dưới chế độ cũ với cán bộ trưởng thành từ thực tiễn cách mạng… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải tỏa khúc mắc về những mối quan hệ trên bằng những lý giải thấu tình, đạt lý với việc phân tách “ba tư cách” của người cán bộ tư pháp: Là bậc trí thức, phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho dân; là viên chức của Nhà nước, phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ; là người phụ trách thi hành pháp luật, phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo[4]. Nói cách khác, theo Người, phải ứng xử với các vấn đề pháp lý bằng đạo lý vì nước, vì dân; người làm công tác bảo vệ công lý phải tự mình làm gương cho dân, phải đề cao liêm chính tư pháp. Người căn dặn cán bộ tư pháp xử án phải công tâm, liêm khiết, trong sạch; nhưng như thế chưa đủ, mà phải biết gần dân, giúp dân, hiểu dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Đó chính là pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh.

Với những gia trị vượt thời đại, thể chế dân chủ và pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng, phát triển, tiếp tục soi sáng công cuộc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

([1]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 366

([2]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 504

([3]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 189

[4] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 472 - 473

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Tạp chí Cộng sản
TIN LIÊN QUAN

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

GS. TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM |

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, vừa qua GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài viết: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Bắc Kạn: 500 đại biểu nghe nói chuyện chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh

Bùi Thị Thanh Thủy |

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Lao động Thương binh & xã hội tổ chức nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ”.

Cần thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Nhóm phóng viên |

Tại Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động lần thứ X diễn ra sáng 28.9, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo.

50.000 người dân, du khách tham gia lễ hội Dinh Cô - Long Hải

Thành An |

Ngày 1.3, nhiều chương trình của lễ hội Dinh Cô - Long Hải (huyện Long Điền) đã được triển khai, thu hút đông đảo người dân. Sau 3 ngày đầu, khoảng 50.000 người đã tới tham dự lễ hội.

Buổi giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Nhân ái Việt Nam bị ngừng vì thiếu giấy phép

DI PY |

Chiều 1.3, cuộc thi Miss Petite Vietnam 2023 (Hoa hậu Nhân ái Việt Nam) dành cho thí sinh cao 1m45 đến 1m65 bị tạm ngưng buổi công bố vì thiếu giấy phép. Trước vấn đề này, đại diện ban tổ chức đã lên tiếng.

Ngày 2.3, tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội

PHẠM ĐÔNG |

Kỳ họp bất thường lần thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra trong buổi sáng ngày 2.3.2023 tại Nhà Quốc hội để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thái Bình: 46 cửa hàng xăng dầu không phép vẫn ngang nhiên hoạt động

TRUNG DU |

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình  hiện nay còn tồn tại 46 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa được Sở Công Thương tỉnh này cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn hoạt động kinh doanh xăng dầu gây bức xúc cho các doanh nghiệp xăng dầu chân chính.

Đề tham khảo môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2023 không có thay đổi đột biến

Vân Trang |

Đó là nhận định của giáo viên khi nói về đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa được công bố.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

GS. TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM |

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, vừa qua GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài viết: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Bắc Kạn: 500 đại biểu nghe nói chuyện chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh

Bùi Thị Thanh Thủy |

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Lao động Thương binh & xã hội tổ chức nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ”.

Cần thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Nhóm phóng viên |

Tại Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động lần thứ X diễn ra sáng 28.9, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo.