“Hòn ngọc Châu Á” vươn mình mạnh mẽ
Vùng biển Phú Quốc có các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Những danh xưng “Hòn ngọc Châu Á” hay “Top 10 hòn đảo nổi tiếng nhất hành tinh” mà du khách trong và ngoài nước ca tụng thật không ngoa chút nào. Phú Quốc từ hòn đảo hoang sơ đã thay da đổi thịt với diện mạo mới đẹp hơn, sang trọng và hiện đại. Theo thống kê, trong vòng 10 năm qua du lịch Phú Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ với 5,1 triệu lượt khách du lịch năm 2019, mức GDP cao gấp 6 lần bình quân cả nước.
Kinh tế của Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. 5 năm vừa qua, Phú Quốc đã hoàn thành 12 chương trình, dự án trọng điểm, nghị quyết chuyên đề. Trong đó, thương mại, dịch vụ ở huyện đảo tăng trưởng cao, gấp 2,37 lần so với đầu nhiệm kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có chuyển biến rõ nét, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống cảng biển, cảng hàng không đủ tiêu chuẩn quốc tế đã tạo điều kiện kết nối giao thương trong nước và thế giới, tạo diện mạo mới cho đảo Phú Quốc.
Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ qua, Phú Quốc phát triển khá toàn diện, trong đó nổi bật là trên lĩnh vực kinh tế. Tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỉ đồng, vượt 57,39% so với Nghị quyết. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỉ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, thu hút hơn 140.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Phú Quốc.
Phú Quốc vươn mình phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của Phú Quốc phát triển nhanh hơn. Hiện tại, Phú Quốc là địa phương có số dự án đầu tư lớn nhất, chiếm 41,2% dự án của cả tỉnh với 321 dự án đầu tư. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 340.000 tỉ đồng, chiếm 72,4% về số vốn của cả tỉnh.
Đòn bẩy và thách thức
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số sẽ có hiệu lực thi hành vào 1.1.2021.
Theo đề án, thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 589,27km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 179.480 người; có 9 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: 2 phường là Dương Đông, An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu (xã Hòn Thơm được sáp nhập vào An Thới).
Mục tiêu quan trọng hiện nay là xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, là trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông - Nam Á. Việc đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, các khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân sẽ từng bước hướng đến xây dựng thành phố Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết, Phú Quốc trở thành thành phố vừa là động lực, cơ hội phát triển nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho địa phương trong định hướng phát triển sắp tới.
“Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải và nước thải, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân, cho du khách và việc tưới tiêu. Việc phát triển thành phố phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bền vững, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho các nhà đầu tư”, ông Hưng chia sẻ.
Phú Quốc là huyện đảo nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Hà Tiên 45km về phía Tây, cách thành phố Rạch Giá 120km về phía Đông. Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ.