Phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 42 ngày 8.7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỉ lệ ngân sách để lại cho TPHCM hiện nay (18%) là quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cuối tuần này thành phố sẽ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và báo cáo đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM. Đề án này có đặc điểm là tăng phần nguồn nộp thu về Trung ương và tăng nguồn thu của thành phố.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM là trung tâm kinh tế hiệu quả nhất cả nước, năng suất lao động gấp 2,7 – 2,9 lần bình quân cả nước. Một đồng vốn công ở TPHCM bỏ ra thu hút 10 đồng – 14 đồng vốn đầu tư. Một năm TPHCM có thêm 126.000 lao động. “Để lại tiền cho thành phố thì huy động nguồn vốn xã hội gấp hơn 10 lần. Để lại 1 đồng thì khi có lao động sẽ tạo ra năng suất lao động gấp 3 lần” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo người đứng đầu Thành ủy TPHCM, kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TPHCM 5 năm tới (2021 – 2025) là 24%, 5 năm tiếp theo (2026 – 2030) là 28% so với phương án 18% trong 10 năm tới, thì nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng (tương đương 14,8 tỉ USD). Đồng thời, ngân sách TPHCM cũng được tăng thêm 395.000 tỉ đồng. "Có cơ sở khoa học để khẳng định rằng tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho thành phố nhiều hơn thì Trung ương sẽ thu nhiều hơn" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết cuối tháng 7.2020 sẽ trình đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM lên Bộ Chính trị.