Chiều 30.9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2023, báo chí đặt câu hỏi sau vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua càng cho thấy tính bức thiết của việc phát triển nhà ở xã hội.
Thời gian qua dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp vẫn dẫn nhiều lý do cho việc khó khăn trong việc thực án các dự án nhà ở xã hội như: Lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng hay quỹ đất…
"Xin hỏi Bộ Xây dựng, tại sao Nhà nước không đứng lên làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội thay vì chờ đợi các doanh nghiệp? Giải pháp để đẩy nhanh tốc độ xây nhà ở xã hội, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?”, báo chí đặt câu hỏi với Bộ Xây dựng.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó là phát triển, đầu tư nhà ở xã hội thì pháp luật quy định rõ hình thức nhà nước làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cũng như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.
“Hai hình thức đều được quy định trong pháp luật, không có hạn chế trong việc phát triển, đầu tư nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Nói thêm về nội dung này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước thực hiện 3 việc: Quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách, thanh tra - kiểm tra. Về việc làm chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty nhà nước đã và đang tham gia xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội.
“Như tại Bình Dương, nhà ở xã hội tại địa phương này chủ yếu do Công ty Becamex thực hiện”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại.
Hiện nay, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.
“Tới đây việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội sẽ do UBND cấp tỉnh. Như vậy sẽ dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp điều kiện và quy hoạch”, ông Sinh nhấn mạnh.
Về các ưu đãi tài chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong các chính sách đã quy định rất rõ bao gồm: Miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi... Với những ưu đãi này, đã rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Sinh, thời gian tới, tại Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đang đề xuất theo hướng hỗ trợ tích cực hơn. Trong đó sẽ tiếp tục miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiếp tục áp dụng lợi nhuận 10%, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư làm các khu thương mại dịch vụ; được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà ở xã hội…
“Có ý kiến cho rằng tại sao không tăng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư phát triển xã hội từ 10% lên 15%. Nếu làm điều này sẽ nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp”, ông Sinh cho biết.
Theo ông Sinh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần cải cách thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội.
Về việc tiếp cận vốn, theo ông Sinh, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất thương mại.
“Với các chính sách hỗ trợ, tới đây nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn”, ông Sinh nhấn mạnh.