Sứ mệnh người làm báo trong thời đại mới dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh

Phạm Đông |

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại mà còn là người sáng lập và chỉ đạo báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, theo dòng chảy của cách mạng, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng của Người. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh để xây dựng, phát triển báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Công việc làm báo được Bác Hồ rất quan tâm và chú trọng

Cách đây 97 năm, ngày 21.6.1925, Báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18.6.1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25.8.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo các loại…, về nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện.

Lao Động đã có cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu - Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và người 4 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội để ghi lại những chia sẻ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Theo Thiếu tướng Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài mà còn là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí cách mạng Việt Nam. 97 năm qua, đến nay những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian tìm đường cứu nước, ngày 1.4.1922, báo Le Paria - “Người cùng khổ” xuất bản số báo đầu tiên và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là “linh hồn” của tờ báo này. Mặc dù chỉ tồn tại trong 4 năm với 38 số, song “Người cùng khổ” đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Vừa là chủ bút, vừa là chủ biên, Người viết những bài báo có sức chiến đấu mạnh mẽ, lên án thực dân Pháp,… để tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với Việt Nam ta.

Bác nghĩ rằng để làm cách mạng, phải có công cụ để tuyên truyền, vận động nhân dân quần chúng. Trong quá trình cách mạng, hấp thụ những gì Bác dạy, Đảng ta xác định báo chí là một mặt trận, công cụ sắc bén trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Quan điểm của Bác vô cùng rõ ràng: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Bác từng dạy báo phải viết một cách ngắn gọn, dễ hiểu, viết phục vụ cách mạng, viết cho nhân dân. Đây là những lời dạy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo; là quan điểm về đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo. Không vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc và nhân dân; không vì sự tiến bộ của xã hội; không hướng tới quần chúng nhân dân – đó không phải là báo chí cách mạng!

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đọc báo tại ATK Thái Nguyên, năm 1947. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đọc báo tại ATK Thái Nguyên, năm 1947. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Với quan niệm báo chí là mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nghe theo tiếng gọi của Đảng, các nhà báo luôn có mặt ở những điểm nóng bỏng nhất. Trong kháng chiến, báo chí có mặt ở các trận địa, những chiến trường mà quân đội nhân dân ta đang chiến đấu với kẻ thù để đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngày nay, báo chí có mặt trong cuộc sống thường nhật, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu không có báo chí, nhiều vụ việc tham nhũng và tiêu cực có lẽ khó phanh phui và đi đến tận cùng. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào “kẻ thù” của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia. Ở những cuộc đấu tranh đó, nhân dân rất tin tưởng, đặt kỳ vọng vào báo chí.

Còn ông Nguyễn Túc cho rằng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phản ánh đời sống nhân dân, phản ánh sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy không lúc nào người làm báo được quên trách nhiệm của mình với Đảng, với dân. Nhà báo chính là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cho nên phải không ngừng “trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Nhân dân chính là những người sẽ kiểm định, đánh giá báo chí, phản hồi, góp ý bài viết chưa đúng. Vì nhân dân có “trăm tai, nghìn mắt” nên có thể nhìn thấu mọi vấn đề mà nhà báo nhiều khi không rõ.

Báo ‘Người cùng khổ,’ cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do Người sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm 1922 đến năm 1924, từ Paris kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Báo ‘Người cùng khổ,’ cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do Người sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm 1922 đến năm 1924, từ Paris kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đồng thời đạo đức nhà báo phải thể hiện qua sự khách quan, chân thực, tôn trọng sự thật. Đối với hoạt động sáng tạo báo chí, Người đặc biệt lưu ý các nhà báo phải có sự chân thật, khách quan đối với từng con người, từng sự việc trong tác phẩm của mình, phải tránh tư tưởng ba hoa, nói không có sách, mách không có chứng, những gì không biết, không được nghe hoặc nhìn thấy cụ thể thì “chớ nói, chớ viết”.

Bên cạnh đó, nhà báo cũng phải luôn có thái độ tự phê bình và phê bình. Bản thân báo chí là cơ quan phản ánh, có trách nhiệm phê bình những thói hư, tật xấu trong xã hội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu, nhưng muốn làm được điều đó thì trước tiên nhà báo phải tự phê bình bản thân mình, mình có hay, có tốt, có đẹp mới đi nói và viết về người khác được. Mục đích của việc học tập theo Người không phải để làm “ông nọ, bà kia”, mà việc học trước hết “là để làm việc, làm người”, học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng vào đoàn thể, vào nhân dân, học để hành.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

Ngày nay, báo chí và nhà báo đã trở thành một lực lượng quan trọng tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội, một nguồn thông tin, sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần và văn hóa của xã hội. Báo chí Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo chính là phản ánh các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị theo cái cách làm cho xã hội tốt đẹp lên. Việc lựa chọn giữa cái thực tiễn diễn ra và cái nên phản ánh, phản biện, nêu ý kiến kiến nghị chính là thể hiện bản lĩnh của nhà báo và thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của anh ta.

Ngày 21.6.1925, Báo Thanh Niên ra số đầu tiên. Bác vừa là Tổng Biên tập, vừa là phóng viên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo. Trong ảnh: Báo Thanh Niên những ngày đầu mới xuất bản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Ngày 21.6.1925, Báo Thanh Niên ra số đầu tiên. Bác vừa là Tổng Biên tập, vừa là phóng viên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo. Trong ảnh: Báo Thanh Niên những ngày đầu mới xuất bản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chưa bao giờ câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo được nhắc tới nhiều như hiện nay. Trách nhiệm xã hội của nhà báo không khác nhiều với những lĩnh vực nghề nghiệp khác: tính trung thực, tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc... Thế nhưng, sự xa rời các phẩm chất đạo đức, xa rời trách nhiệm với cộng đồng của một bộ phận các nhà báo trong sự biến đổi của đời sống xã hội đang trở thành một trong những vấn đề thời sự được quan tâm, trong khi tài sản quý giá nhất của tờ báo và nhiều nhà báo chính là lòng tin của người dân.

Trách nhiệm của báo chí suy cho cùng là trách nhiệm với từng thân phận con người trong xã hội, những nhà báo đi về phía nhân dân sẽ được nhân dân tin yêu. Báo chí đứng bên con người để cho con người sống tích cực hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Trách nhiệm của nhà báo khi phản ánh hiện thực phải giúp con người tin và hướng về phía ánh sáng. Không thể đòi hỏi xã hội coi trọng nếu nhà báo không phụng sự đất nước, phục vụ xã hội và nhân dân mình.

Tất nhiên, đối với mỗi cá nhân các nhà báo cũng còn rất nhiều nỗi niềm. Những nhà báo chân chính làm báo không nhằm dựa dẫm “kiếm ăn” bất chính và vị trí của nhà báo trong xã hội do chính họ tạo ra.

Nhà báo cũng là một con người xã hội, tức là cũng được hưởng lợi, hoặc chịu tác động bởi các vấn đề của xã hội như mọi người. Do đó, lợi ích của nhà báo cũng nằm trong lợi ích chung của tòa soạn, của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Các quy định của từng tờ báo, cơ quan chủ quản cũng không thể đi ngược lại luật pháp của quốc gia, dân tộc và cộng đồng. Do vậy, một nhà báo có trách nhiệm làm việc, phụng sự xã hội bằng tinh thần trách nhiệm, bằng cái tâm sáng thì không gặp phải vấn đề xung đột với cộng đồng và xã hội.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải trao đổi với Lao Động về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí. Ảnh: PHẠM ĐÔNG
Thiếu tướng Phan Khắc Hải trao đổi với Lao Động về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng Thiếu tướng Hải vẫn làm báo, ông cũng rất tự hào vì được đứng trong hàng ngũ báo chí của lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam. Ông lấy dẫn chứng 2 năm vừa qua, khi có đại dịch COVID-19, các phóng viên sẵn sàng lên đường, vào tâm dịch để đưa những thông tin nóng về tinh thần, trách nhiệm, ý chí chống dịch đến với nhân dân. Các phóng viên không quản ngày đêm, phản ánh tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên y tế, của những người, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Các phóng viên đã đưa tin, tuyên truyền tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đây là việc hết sức quý giá.

Vốn dĩ, tính chất nghề nghiệp của những người làm báo luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, từ chiến trận đến cuộc sống, khi đi tác nghiệp ở vũng lũ, vùng dịch. Việc phóng viên hy sinh khi tác nghiệp lũ năm 2017 đó là một tấm gương sáng, thể hiện rằng: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải hy sinh tính mạng. Các nhà báo, không ngại hiểm nguy để đến nơi đó, đưa tin kịp thời, chính xác”.

Nhà báo giỏi phải luôn học hỏi và cập nhật kỹ năng làm báo hiện đại

Để trở thành nhà báo giỏi, Thiếu tướng Hải cho rằng, ngoài tài năng vốn có còn cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Hiện nay, điều kiện làm báo của chúng ta rất thuận lợi, công nghệ thông tin phát triển, máy móc hiện đại, những người làm báo nên rèn luyện kỹ năng, học hỏi thêm nhiều phương thức đa phương tiện làm báo mới (chụp ảnh, quay phim, dựng,…) thay vì chỉ chuyên viết để nâng cao nghiệp vụ báo chí. Đây là công cụ hữu hiệu đối với những người làm báo bây giờ.

Thiếu tướng Hải nhiều lần nhắc lại, báo chí phải trung thực, khách quan, kịp thời. Vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh và chúng ta nên dùng ngòi bút của mình để đấu tranh chiến thắng chính mình thì ngòi bút mới sắc, tâm mới sáng. Phải làm sao để xứng đáng với lòng tin của nhân dân, đấy được xem là phần thưởng lớn nhất cho những người làm báo trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: PHẠM ĐÔNG
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Còn theo ông Túc, mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng không phải vô thưởng vô phạt, tùy hứng, tùy tiện, mà phải là một thông điệp tích cực, có tính định hướng chính trị, tư tưởng đúng đắn. Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, mỗi nhà báo phải biết xử lý, thẩm định thông tin và truyền tải tới công chúng những thông tin trung thực, khách quan, có tính chính thống, góp phần định hướng dư luận, ổn định xã hội. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cũng cần được xác minh, phản biện công khai và kịp thời.

“Một nhà báo chuyên nghiệp không đơn thuần truyền tải những sự kiện mà cao hơn nữa là đóng vai trò như nhà phân tích, bình luận các sự kiện, hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Từ đó, giúp công chúng nhận thức đầy đủ, đúng bản chất về các vấn đề này để có thái độ và hành động phù hợp” - ông Nguyễn Túc chia sẻ.

Để làm được điều này, đòi hỏi người làm báo và cả các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin, đó cũng là trách nhiệm với xã hội, phải đứng bên con người, giúp con người tin và hướng về những điều tích cực hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Vì vậy, dù viết ở bất cứ lĩnh vực nào, trách nhiệm xã hội và ý thức nghề nghiệp của những người làm báo là hết sức quan trọng. Nó phải được tuân thủ triệt để ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi việc và trở thành phản xạ tự nhiên của người cầm bút trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại mà còn là người sáng lập và chỉ đạo báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, theo dòng chảy của cách mạng, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng của Người. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh để xây dựng, phát triển báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Phạm Đông
TIN LIÊN QUAN

Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác

Linh Anh |

Cách đây 60 năm, vào tháng 9.1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện quan trọng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những nhà báo. Sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề Bác đặt ra với người làm báo cũng như với báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Đặc biệt là vấn đề phê bình và tự phê bình của báo chí.

Phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về học tập và làm theo Bác Hồ

Vương Trần |

Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025 nhằm lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trao giải, tôn vinh tác giả, tác phẩm.

Hội Báo toàn quốc 2022: Khẳng định vai trò của báo chí cách mạng, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn

VƯƠNG TRẦN |

Sau 2 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hôm nay (13.4), Hội Nhà báo Việt Nam và UBND TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn” tại Bảo tàng Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2022 sẽ diễn ra từ ngày 13-15.4.2022.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác

Linh Anh |

Cách đây 60 năm, vào tháng 9.1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện quan trọng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những nhà báo. Sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề Bác đặt ra với người làm báo cũng như với báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Đặc biệt là vấn đề phê bình và tự phê bình của báo chí.

Phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về học tập và làm theo Bác Hồ

Vương Trần |

Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025 nhằm lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trao giải, tôn vinh tác giả, tác phẩm.

Hội Báo toàn quốc 2022: Khẳng định vai trò của báo chí cách mạng, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn

VƯƠNG TRẦN |

Sau 2 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hôm nay (13.4), Hội Nhà báo Việt Nam và UBND TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn” tại Bảo tàng Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2022 sẽ diễn ra từ ngày 13-15.4.2022.