Chúng ta có quyền tự hào về những thành quả của đổi mới
Hôm nay (3.2), đất nước rộn ràng đón chào xuân mới Nhâm Dần 2022 và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan kỷ niệm sự kiện trọng đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Nhân dịp này, trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Đào Duy Quát (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương - nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định: Cách mạng Việt Nam trong 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Nhìn lại chặng đường lịch sử, phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng (1986), đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đây. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.
Từ thực tiễn khách quan của công cuộc đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đánh giá sâu sắc: ”Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này cũng đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào, sự nghiệp đổi mới ấy đã mang lại sự thay đổi toàn bộ diện mạo đất nước, đời sống vật chất và tinh thần hiện đã được cải thiện rõ rệt. Mọi người dân Việt Nam đều cảm nhận được các thành tựu ấy. Ngay cả lớp trẻ, thế hệ 8x, 9x, cũng đã cảm nhận được sự đổi mới, sự lớn mạnh của đất nước, vị thế quốc tế, uy tín của dân tộc ta.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu. Đó là đổi mới triệt để cơ chế quản lý và các chính sách kinh tế. Điểm căn bản là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp, kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Đến nay, có 5 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân (gồm tư bản tư nhân và cá thể); kinh tế hỗn hợp; kinh tế 100% vốn nước ngoài. Trong các thành phần đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, đến nay kinh tế tư nhân đóng góp hơn 42% GDP.
Đảng coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm và đã thành công trong lãnh đạo kinh tế. Đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), nền kinh tế phát triển vững chắc vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ của khu vực (1997-2000), hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Tăng trưởng kinh tế GDP ổn định ở mức cao.
Trong đó, giai đoạn 1990-1995: 8,2%; giai đoạn 1996-2000: 7%; giai đoạn 2001-2005: 7,51%; giai đoạn 2006-2010: 7%; giai đoạn 2011-2015: 5,9%; giai đoạn 2016-2020: 6%; năm 2019 đạt 7,02%. Đến nay, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD/người/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới.
Đồng thời, Đảng thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, văn hóa vì cuộc sống của nhân dân. Từ thành tựu của phát triển kinh tế để thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và chính kết quả thực hiện các chính sách xã hội lại thúc đẩy kinh tế phát triển.
Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Quốc Lý (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Thành quả đổi mới chính sách kinh tế và chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Cùng với thu nhập ở mức trên 3.000 USD/người/năm, tuổi thọ bình quân từ dưới 60 trước đổi mới, đến nay là gần 74. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên.
Đồng thời, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, một thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới đó chính là việc không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh.
Từ tháng 3.1989, Đảng chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị phù hợp với tình hình đất nước và quốc tế. Sự vững vàng của hệ thống chính trị ở thời điểm lịch sử 1989-1991 đã bảo đảm cho đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vượt qua được thách thức khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô bị các thế lực thù địch tiến công và cả sự phản bội dẫn tới sụp đổ.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII vào năm 1994, Đảng ta đã nhận diện bốn nguy cơ: Nguy cơ tụt hậu; Nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; Nguy cơ chệch định hướng, con đường chúng ta đi nếu bị chệch thì sẽ đi vào vết xe đổ của một số Đảng cộng sản khác; Nguy cơ các thế lực thù địch coi Việt Nam là một trong những trọng điểm để tiến hành chiến lược diễn biến hòa bình gắn với bạo loạn lật đổ, phủ định sự lãnh đạo của Đảng này, lật đổ chế độ này.
Từ Đại hội VII, VIII, IX, chúng ta liên tục tìm rất nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi từng nguy cơ. Đặc biệt, các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI (2012); Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII (2016) và mới đây là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII đã tiếp tục khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng không ngừng nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, đạo đức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố vị trí cầm quyền, chống nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, tham nhũng và suy thoái của cán bộ, đảng viên.
PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, Đường lối Đổi mới từ Đại hội VI và Đảng tiếp tục hoàn thiện, phát triển qua các kỳ đại hội. Đặc biệt, Đại hội XIII là sự vận dụng hết sức sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với tổng kết thực tiễn đồng thời tiếp thu các kinh nghiệm của thế giới. Đường lối được nhân dân thảo luận, được Đảng bộ các cấp tích cực đóng góp trở thành kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân, của dân tộc, không chỉ hợp với quy luật phát triển của dân tộc ta trong thời đại mới mà còn hợp lòng dân, hợp với khát vọng của dân tộc.