Tính toán kỹ để sớm khởi động lại dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

NHÓM PV |

Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

11h30: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Cùng với 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn về lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn và trả chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này đã có 454 lượt Đại biểu Quốc hội đăng kí tham gia chất vấn; có 112 lượt Đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy, các Đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.

Các Bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các vị Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các vị Đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Sau kỳ họp và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn của các Đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.

11h25: Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng chất vấn về tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngân hàng tín dụng là thể chế đặc biệt, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên được kiểm soát, giám sát theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.

Ông nhìn nhận, sở hữu chéo sẽ tác động đến hành vi thao túng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng.

Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước được quy định 2 chức năng quan trọng là đảm bảo an toàn cho ngân hàng thương mại và giữ được giá trị đồng tiền.

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý thực trạng sở hữu chéo, song ông Khái cho rằng “cũng có cái khó”.

Lưu ý việc dành vốn tín dụng cho lợi ích của nhóm sở hữu chéo sẽ làm méo mó hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng môi trường chung, Phó Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên thanh tra việc này.

Để hạn chế sở hữu chéo, ông cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát cơ chế hoạt động của các ngân hàng thương mại; sửa Luật Tổ chức tín dụng để có căn cứ vững chắc kiểm soát, xử lý sở hữu chéo.

Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng cũng phải tự phát hiện những hành vi lệch chuẩn. Ông nhấn mạnh thêm giải pháp xử lý nghiêm sai phạm; công khai, minh bạch để các nhà đầu tư và người dân có thông tin kiểm tra, giám sát và xử lý tình trạng này.

Triển vọng của FDI vào Việt Nam không lạc quan khi Luật Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực

11h20: Chất vấn, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch Thường trực UBND Quảng Trị) cho biết, triển vọng của FDI vào Việt Nam không lạc quan khi Luật Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024.

Đồng thời một chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt đối xử các quốc gia khiến hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị, Phó Thủ tướng thông tin về vấn đề này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quốc hội

Trả lời đại biểu về thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tháng 6.2021, nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%.

Tính đến tháng 7.2021, các nước G20 đã thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu. Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế.

Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc, tuy nhiên, các nước đã tham gia và đã nội luật hóa, có hiệu lực thi hành trong năm 2024.

Về vấn đề này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, đã có nhiều diễn đàn có chỉ đạo về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất.

Tổ công tác vừa báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá tác động, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới nhằm bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia.

Sở hữu chéo tác động đến hành vi thao túng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng.

Mỗi tháng Chính phủ đều họp chuyên đề bàn về thể chế

11h15: Chất vấn, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, nền công vụ quốc gia hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì hệ thống luật lệ, quy trình rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ và việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Qua 2 ngày chất vấn đã cho thấy, hệ thống luật lệ, quy trình, thể chế còn những vấn đề.

Theo báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn chưa được sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, xử lý triệt để phân công, phân quyền,… Thực trạng này đã tác động khó khăn đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời là một thách thức cho cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp căn cơ nào trong việc hoàn thiện thể chế luật lệ thời gian tới?

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế. Mỗi tháng, Chính phủ đều họp chuyên đề bàn về thể chế, từ khâu đề xuất, quyết định văn bản pháp luật đến chất lượng thể chế.

Đồng thời, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp khác như nâng cao chất lượng thẩm định, thực hiện nghiêm quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, phản biện, nhất là lắng nghe dư luận xã hội.

"Với những giải pháp như vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ thực hiện tốt hơn thời gian tới", Phó Thủ tướng nói.

Nhiều vướng mắc liên quan đến cán bộ cấp xã

11h10: Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) cho biết, nhiều cử tri và Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa đổi Nghị định 34/2029 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã trả lời chất vấn về việc sửa đổi. Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, tiến độ sửa đổi nội dung này, bao giờ mới ban hành Nghị định sửa đổi?

Về câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết, trong hệ thống công chức, có nhiều vướng mắc liên quan đến cán bộ cấp xã. Bộ Nội vụ vừa qua đã chủ trì, dự thảo sửa Nghị định 34 để giải quyết vướng mắc về số lượng, biên chế, chế độ chính sách, phân cấp phân quyền… của nhóm cán bộ này.

Bộ Nội vụ đang báo cáo cấp có thẩm quyền và Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất cơ chế chính sách, đặc biệt là về số lượng biên chế phù hợp.

Liên quan câu hỏi về thời gian ban hành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo để ban hành sớm.

Tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá

11h: Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023.

Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Việc điều hành, theo ông Khái, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.

“Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành.

Ví dụ như với mặt hàng xăng dầu thì 10 tháng đầu năm tăng nhưng giữa tháng 9 lại giảm”, ông Khái nói và cho biết, phải nắm bắt thị trường, có giải pháp và kịch bản để điều hành.

Mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao như năm 2022 là 4% CPI, năm 2023 là khoảng 4,5%. Theo ông, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu.

Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác điều hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được. Trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%.

Giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề mất việc làm, giảm giờ làm của người lao động

10h50: Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, trong những tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng mất việc, giảm việc của người lao động ở những thành phố lớn, khu công nghiệp hay khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Bắc và miền Trung.

Số lao động bị ảnh hưởng là khoảng 510.000 người, trong đó 279.000 người bị mất việc, thôi việc; 195.000 bị cắt giảm giờ làm.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp làm sao để doanh nghiệp hoạt động bình thường, có hiệu quả, cải thiện tình hình hoạt động, từ đó đáp ứng nhu cầu việc làm của công nhân, xử lý được tình huống giãn việc.

Cùng với đó, các ngành, các cấp và địa phương thực hiện chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, BHXH, BHYT cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện người lao động tiếp cận việc làm ở các sàn giao dịch việc làm tại địa phương…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành nắm bắt kịp thời, ngăn chặn những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và ảnh hưởng đến hành vi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, giải pháp nào khắc phục?

10h45: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho biết, trong thời gian qua, tham nhũng tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần giữ vững ổn định và tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu cho rằng, tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Một trong những giải pháp cốt lõi để phòng chống tham nhũng tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong đúng khuôn khổ.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đã đưa ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học rất quan trọng là muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả phải kiểm soát được quyền lực.

Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng chống tham nhũng với nhiều lý do.

Thứ nhất, quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát; tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do đó, kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Thứ hai, là chủ nghĩa cá nhân. Điều này dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Suy thoái này là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Trong thực tiễn phòng chống tham nhũng những năm vừa qua thấy rằng, phải kiểm soát quyền lực với cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, phải hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước.

Xác định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử.

Tiếp đó, phải tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn như cơ chế tập trung dân chủ, công khai minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình.

Đặc biệt, với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện. Phải kết hợp chặt chẽ giữa cơ chế kiểm soát của Đảng, của nhân dân, giám sát của MTTQ Việt Nam, vai trò của các tổ chức đoàn thể, báo chí… thì mới phòng chống tham nhũng tốt hơn.

Sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý khiến thị trường bất động sản, trái phiếu đóng băng

10h40: Chất vấn, Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn.

Điều này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp thì tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Nguyên nhân là bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch… Phó Thủ tướng phân tích, thị trường bất động sản gặp khó khăn do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp.

“Hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng cho biết, gần đây tín hiệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn nhưng trong quý I, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định được tình hình. Quan điểm của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn trên tinh thần “trách nhiệm thì theo hợp đồng dân sự, nhưng Nhà nước cũng cần tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp”.

Không để mua đi bán lại các mỏ cát xây dựng

10h30: Trả lời về chủ trương lấy cát biển làm vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cho biết, vì triển khai cao tốc nhiều nên nhu cầu sử dụng vật liệu cao, cần cơ chế đặc thù cho việc khai thác cát.

Các dự án này, Chính phủ trong thẩm quyền đã có nghiên cứu, Thường vụ cũng đã có cơ chế cho phép khai thác cho các dự án trọng điểm quốc gia, để chủ đầu tư trực tiếp khai thác.

Ông Khái nêu quan điểm làm nhanh nhưng phải bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác mỏ và công tâm, minh bạch vì lợi ích chung, không để mua đi bán lại các mỏ cát, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các cơ chế đặc thù này.

10h25: Tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn để khởi động lại dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Về những khó khăn trong phân bổ nguồn vốn của cao tốc Bến Lức – Long Thành, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dự án này được thực hiện từ năm 2014 với tổng mức đầu tư 31.000 tỉ.

Đến năm 2019, cơ chế phân bổ vốn cho dự án này chưa thuận lợi.

Trung ương có Nghị quyết 07, Quốc hội có Nghị quyết 71, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo theo tinh thần của các nghị quyết Trung ương, Quốc hội.

“Hiện nay, muốn triển khai dự án này phải có vốn, vốn ODA theo hình thức BOT, do vậy, theo quy định, ngân sách Nhà nước sẽ không được bố trí. Chính vì vậy, phải sử dụng những nguồn hợp pháp khác.

Nếu nguồn vốn ODA có được nữa thì tốt nhưng vấn đề đàm phán ODA rất khó; còn dùng tiền thu phí của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại có cơ chế riêng, vì tiền thu phí này đáp ứng nghĩa vụ trả nợ của 5 dự án vay vốn của VEC.

Do vậy, cần tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn để khởi động lại dự án sớm nhất có thể”, ông nói.

Sai phạm đăng kiểm – xử lý 639 đối tượng, liên quan đến 9 nhóm tội phạm, diễn ra ở 39 tỉnh thành

10h15: Trong phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong phiên chất vấn hôm qua, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) đề nghị tư lệnh ngành trả lời về những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm và rút ra bài học gì trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Đây là việc hết sức quan trọng, qua chỉ đạo điều hành, xử lý công việc luôn có những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.

Theo Phó Thủ tướng, tổng kết 10 năm về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua đã rút ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó, những sai phạm tại trung tâm đăng kiểm cũng là một trong những bài học được rút ra.

Những vi phạm này đã diễn ra từ lâu, trong phạm vi rộng, đối tượng phạm tội nhiều. Vụ án có khoảng 639 đối tượng, liên quan đến 9 nhóm tội phạm, diễn ra ở 39 tỉnh thành.

Hiện nay, cơ quan công an, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện, nhanh chóng, điều tra, xử lý, thực hiện các trình tự tố tụng. Tôi đánh giá cao nỗ lực này”, ông nói.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, qua vụ việc này, cần rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chức năng quyền hạn mô hình tổ chức của trung tâm đăng kiểm, tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Điều này phải công khai, minh bạch, rõ ràng.

Những giải pháp phòng ngừa tham nhũng phải được chú trọng, tăng cường thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động; đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm, có như vậy thì "đập chuột không vỡ bình".

Tăng năng suất lao động là yêu cầu cấp bách

10h10: Về tăng năng suất lao động xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tăng năng suất lao động là yêu cầu cấp bách, khách quan, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2022 ở mức 4,8%, không đạt mục tiêu đề ra là khoảng 5,5%.

Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ khoa học công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu, chưa theo kịp khu vực, thế giới; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội ngành còn nhiều bất cập; chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp, dịch vụ còn chậm. Đồng thời, do phương pháp tính bằng GDP/tổng số người làm việc bình quân nên năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng do yếu tố đặc thù của năm 2022 là lực lượng lao động có việc làm tăng mạnh sau khi kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng năng suất lao động, trong đó, tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, về tổng thể, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm công, đầu tư, định giá, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Cá biệt có nơi còn trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên. Quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế làm việc của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, an toàn cho các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực hiện chức trách, nhiệm vụ và thực thi công vụ theo quy định.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

10h05: Về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhấn mạnh tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường vai trò của các địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công.

“Phấn đấu tỉ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch” là mục tiêu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, bên cạnh nhiệm vụ tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, Phó Thủ tướng khái quát từ năm 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 400 thủ tục hành chính, hơn 2.200 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các quy định đang là rào cản đối với sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu được ông Khái nhấn mạnh là đến năm 2025 giảm ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ. Song song với việc này, Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số cũng là giải pháp sẽ được Chính phủ chú trọng thực hiện.

Báo cáo về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề.

“Trong 5 tháng đầu năm, có 510.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279.000 lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng…”, Phó Thủ tướng khái quát.

Bên cạnh việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, nhằm bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội”, Phó Thủ tướng nêu.

Thiếu điện cục bộ ở miền Bắc

10h: Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài.

Dù vậy, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

“Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỉ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỉ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ”, Phó Thủ tướng thông tin.

Nhưng ông cũng thẳng thắn nêu không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, như đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khoảng 88.000…

Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng nêu thực tế thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...

Sáng 8.6, Quốc hội dành thời gian còn lại để nghe Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Trước đó, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đã lần lượt được đề nghị báo cáo, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến nhóm lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học công nghệ.


NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

"Hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường"

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa...

Đại biểu Quốc hội nêu lý do nhiều đề tài nghiên cứu khoa học "cất ngăn kéo"

Nhóm PV |

Đại biểu Quốc hội nêu phản ánh của nhiều nhà khoa học, cho rằng đề tài nghiên cứu ở nước ta hiện nay còn quá manh mún, dàn trải, thủ tục thanh toán quá rườm rà.

Rút bảo hiểm xã hội một lần làm nóng nghị trường Quốc hội

Nhóm PV |

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Bụi mù mịt bên trong công ty có 3 người chết vì bụi phổi

QUANG ĐẠI |

Những hình ảnh từ clip được quay tại dây chuyền sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến (Khu Công nghiệp Nam Cấm – Nghệ An) cho thấy: Có lượng bụi rất lớn phát tán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Châu Tiến là doanh nghiệp đã có 3 người chết, 5 người nguy kịch vì bụi phổi.

Buộc thôi việc cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Bức họa vùng cao mùa nước đổ ở Lào Cai

Ý Yên |

Bình minh lên, những thửa ruộng bậc thang ở Y Tý, Lào Cai loang loáng màu của nắng, của trời và điểm xuyết vệt vàng của phù sa, sắc xanh của lá mạ.

Ông Donald Trump bị truy tố 7 tội danh hình sự

Song Minh |

Cựu Tổng thống Donald Trump bị truy tố 7 tội danh hình sự liên bang liên quan đến hàng trăm tài liệu mật của chính phủ mà ông giữ tại nhà riêng ở Florida sau khi rời Nhà Trắng.

Dân đi ngược chiều bất chấp phân luồng tuyến đường trung tâm TPHCM

HỮU CHÁNH |

TP Hồ Chí Minh - Phớt lờ biển cấm lưu thông ngược chiều tại đường Yersin (Quận 1), nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi vào đường cấm.

"Hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường"

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa...

Đại biểu Quốc hội nêu lý do nhiều đề tài nghiên cứu khoa học "cất ngăn kéo"

Nhóm PV |

Đại biểu Quốc hội nêu phản ánh của nhiều nhà khoa học, cho rằng đề tài nghiên cứu ở nước ta hiện nay còn quá manh mún, dàn trải, thủ tục thanh toán quá rườm rà.

Rút bảo hiểm xã hội một lần làm nóng nghị trường Quốc hội

Nhóm PV |

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.