Chiều 19.10, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi về việc tới đây Quốc hội sẽ giám sát việc sắp xếp bộ máy hành chính cấp huyện, xã thì trong quá trình đó có tính đến sáp nhập tỉnh.
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2019-2021 vừa qua là tiền đề rất quan trọng để tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Việc sắp xếp đơn bị hành chính cấp xã và cấp huyện dựa trên 2 tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Vừa qua, chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt ra một vấn đề đó là giám sát việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng để các cơ quan rút kinh nghiệm trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện trong giai đoạn tiếp theo (2022-2025).
Theo ông Nguyễn Trường Giang, đây là một trong những nội dung để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lại quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 1210 quy định về các tiêu chuẩn, tiêu chí của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và cả đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Ngoài đánh giá về vấn đề tiêu chí dân số, diện tích mà Đoàn giám sát sẽ đánh giá cả về những vấn đề như văn hoá, xã hội, lịch sử, sự đồng thuận của người dân, hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền sau khi sáp nhập.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để tiến hành có sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh hay không thì trước mắt phải tổng kết Nghị quyết số 1211 theo chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, để sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, các cơ quan cũng phải đánh giá đầy đủ nhiều tiêu chí.
Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc sửa Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 phải đặt ra vấn đề sau khi sáp nhập phải nâng cao hiệu lực hiệu quả của chính quyền địa phương nơi được sáp nhập. Nghị quyết của Đảng đặt ra vấn đề nghiên cứu để tiến hành sáp nhập, phải đầy đủ các điều kiện, tạo được sự đồng thuận của người dân, sự phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, ngày 22.9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung của dự thảo kế hoạch giám sát chuyên đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Theo ông Tùng, mục đích của giám sát nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, thời gian qua, 45 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 cấp xã. Vừa qua, Bộ Nội vụ có báo cáo tổng kết, đánh giá về thực hiện Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và có điều chỉnh.
“Tinh thần chung, đây là căn cứ để sắp xếp các đơn vị hành chính từ 2022 trở về sau. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có một câu rất quan trọng là “tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp...
Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để sửa Nghị quyết. Vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tiến độ sửa như thế nào, đến tháng 9.2022 sau khi kết thúc giám sát mới sửa hay sửa trước?” - ông Thăng nêu.