Tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực đầu tư, tài chính, đất đai
Chiều nay (15.11), với 484/485 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 97,19%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết nêu rõ, sau 21 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 luật: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Quốc hội đã thông qua 13 nghị quyết: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ôtô; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang Kỳ họp kế tiếp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến lần đầu về 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
Nghị quyết cũng nêu rõ, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, tài sản, đất đai, xây dựng cơ bản thông qua đấu thầu, đấu giá; quản lý thuế, giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông...;
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết, nghiên cứu hoàn thiện chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù công tác để các cơ quan tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ…
Bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu cấp cho công dân
Nghị quyết cũng nêu rõ, kể từ ngày Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Nghị quyết Kỳ họp 4 cũng nêu rõ, đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nghị quyết cũng nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.
Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.