Quy trình nhân sự sẽ được làm "từng bước, chặt chẽ"
Sáng 23.3, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc Quốc hội dành ra 7 ngày để thực hiện công tác nhân sự là quy trình không thể cắt giảm được. Quy trình hết sức chặt chẽ, được thực hiện tuần tự từng bước, bài bản, từng chức danh và không thể cắt giảm được. Kỳ này, Quốc hội sẽ kiện toàn 25 chức danh gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ… và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ.
Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tân Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi được Quốc hội bầu.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch Nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Quy trình phải tuần tự chứ không thể làm gộp các chức danh, không thể làm tắt", ông Phúc thông tin.

Quốc hội đã có nhiều đổi mới
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ sẽ được trình bày trước Quốc hội ở kỳ họp tới đây. Nhiệm kỳ này, Quốc hội có nhiều hoạt động đổi mới trong hoạt động về các hoạt động lập pháp, giám sát, các vấn đề được thảo luận. Có những luật, những điều cần thiết trong cuộc sống cần sửa đổi bổ sung thì trình Quốc hội, sau đó Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình thông qua luật, cơ quan soạn thảo, trưởng ban soạn thảo đã có những báo cáo giải trình, kiến nghị cụ thể. Thậm chí ngay trong phiên họp, Quốc hội cũng tổ chức hội nghị chuyên trách để cho ý kiến về những vấn đề còn vướng mắc. Do đó, công tác lập pháp của nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã có nước thay đổi tích cực.
Công tác giám sát, chất vấn của Quốc hội cũng có nhiều đổi mới. Hình thức hỏi nhanh đáp gọn, hỏi 1 phút trả lời 3 phút đã có hiệu ứng rất tốt. Khi đó, người hỏi sẽ chọn lọc những vấn đề rất cụ thể, chi tiết; còn người trả lời cũng phải biết rõ ràng, nâng cao trình độ bản thân. Hình thức hỏi đáp này cũng tạo điều kiện cho kỳ họp có nhiều câu hỏi hơn, nhiều người được hỏi và nhiều người trả lời.
Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã chuyển từ hình thức tham luận sang tranh luận. Việc tranh luận được thực hiện rất sôi nổi, có hiệu quả, thực chất hơn. Điều này khiến cử tri và nhân dân rất thích và theo dõi. Với những nội dung sát thực tiễn, việc đổi mới đã rất rõ.
Bên cạnh đó, Quốc hội có sự giám sát chặt chẽ, kỹ càng. Quốc hội chia thành 2 lần là giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ để giám sát việc thực hiện các lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, những điều làm được, chưa làm được. Những báo cáo này tạo ra những không khí sôi động, Quốc hội sẽ giám sát đến cùng. Thậm chí với những vấn đề quan trọng của đất nước, nhiệm kỳ này chưa xong thì sẽ được chuyển sang nhiệm kỳ sau.