Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 27.6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật TTATGT với 388/450 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành (tỉ lệ 92,59%).
Trong đó, 92,18% ĐBQH tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Về quy định về cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, theo ông Lê Tấn Tới, nhiều ý kiến nhất trí quy định này.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp này, ngày 21.6.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu xin ý kiến (qua app), có 388 ĐBQH cho ý kiến, kết quả:
Có 293 ĐBQH nhất trí với quy định này là cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Có 95 ĐBQH đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trong đó, có 8 ĐBQH có thêm ý kiến khác.
Trên cơ sở ý kiến của đa số ĐBQH nhất trí quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và thể hiện tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.
Về điểm giấy phép lái xe (Điều 58), theo ông Lê Tấn Tới, có ý kiến cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung.
Khoản 3, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT để phục hồi điểm trừ để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về nội dung kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT tương tự nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định).
Còn về thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Luật cũng quy định bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm TTATGT. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm TTATGT.
Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, TTATGT theo quy định của Chính phủ.