Nhiều đột phá sau gần 20 năm thực hiện NQ 39

Ngày 27.6, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trước năm 2004, Quảng Ngãi là một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ; công nghiệp chưa phát triển; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương; đời sống nhân dân rất khó khăn.
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, GRDP của Quảng Ngãi đạt 52.925 tỉ đồng (năm 2021); GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 10,92%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ ngày càng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng; du lịch có bước phát triển đáng kể, Lý Sơn trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.800 triệu USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh.

Tại Hội nghị Tổng kết, nhiều ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và địa phương cũng nhất trí cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển vùng. Đặc biệt, Quảng Ngãi đã chú trọng về liên kết phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như: Hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh...
Tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết ông Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo tổng kết của Quảng Ngãi đã bám sát các nội dung của Nghị quyết 39-NQ/TW, nhất là các kết quả đạt được của Quảng Ngãi sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, cho rằng, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi là rất toàn diện, thể hiện được sự thành công từ lựa chọn đột phá trong hướng đi của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, đồng chí cũng nhất trí về những hạn chế mà Báo cáo của Tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra.
Một là, Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Dịch vụ cảng biển, vận tải biển chưa phát triển nhiều, chưa hiện đại, chi phí cao; hạ tầng du lịch còn yếu.
Hai là, hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ; đô thị phát triển chưa bền vững. Việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều thiếu sót. Tình trạng khai thác đá, sỏi, cát trái phép còn diễn ra nhiều nơi. Hạ tầng văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Ba là, Phát triển văn hóa, xã hội chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu.
Bốn là, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về xây dựng các tiềm lực quốc phòng chưa đầy đủ. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh có mặt còn hạn chế. Cải cách tư pháp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện kết luận thanh tra của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; khắc phục sai phạm còn hạn chế.
Năm là, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng ở một số tổ chức, đơn vị chưa nghiêm; còn tình trạng vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ luật phát ngôn; một số trường hợp xử lý kỷ luật về hành chính chưa đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng.
Về liên kết vùng, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Quảng Ngãi cần phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên. Tiếp tục huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn các tỉnh trong vùng; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi và đoạn tỉnh Quảng Ngãi đi Kon Tum; phát triển hệ thống logistics tại vùng duyên hải miền Trung. Nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam,... Xúc tiến việc đầu tư Sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế, đầu tư Sân bay Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị nhất là các đô thị ven biển, quan tâm đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số thị trấn.