Chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống
Chiều 9.12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc công tác tổng kết phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020.
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trước thềm Đại hội XIII, có một ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa tổng kết công tác PCTN của cả nhiệm kỳ Đại hội XII và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) đến nay.
Hội nghị sẽ đánh giá kết quả đạt được, những việc chưa làm được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ PCTN trong thời gian tới.
“Điều này cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTN; khẳng định công tác PCTN không dừng, không nghỉ, không trùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn” - ông Dũng nhấn mạnh.
Đập tan những luận điệu xuyên tạc của các phần tử chống phá
Thông tin về những nội dung cơ bản của Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Từ khi thành lập BCĐ (tháng 2.2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt.
Việc này để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.
Kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Báo cáo tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 cũng đã chỉ ra những kết quả bước đầu.
Đó là, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.
Ông Học cho biết: Năm 2020, chúng ta tiến hành tổng kết công tác đấu tranh PCTN từ năm 2013 tới nay. Chúng ta tổng kết công tác đấu tranh PCTN để khẳng định lại những kết quả đạt được trong thời gian qua.
Thông qua những kết quả này thể hiện quyết tâm của công tác PCTN. Tuy nhiên, đây là những kết quả bước đầu, không phải vì kết quả này mà chúng ta chủ quan, thoả mãn. Qua việc tổng kết công tác này cũng là để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, của các phần tử xấu, chống phá.
Từ những kết quả bước đầu của công cuộc đấu tranh PCTN, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: "Công tác đấu tranh PCTN không cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm".
5 cấp độ trong giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi
Trao đổi thêm với báo chí, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết 5 cấp độ trong giải quyết các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Cụ thể, để đẩy nhanh các vụ việc, vụ án có nhiều vướng mắc khó khăn đang đặt ra, các cơ quan tố tụng làm theo luật, nhưng nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ thì sẽ kéo dài, do nhận thức khác nhau. Chính vì vậy ban chỉ đạo có đề ra cơ chế phối hợp để đảm bảo tiến độ giải quyết.
Theo đó, vụ án vụ việc nào đó có khó khăn vướng mắc thì thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan dự để trao đổi, nếu vẫn chưa thống nhất thì Trưởng Ban Nội chính tổ chức họp liên ngành để giải quyết, gọi là cấp độ 1. Nếu vẫn chưa giải quyết được thì chuyển lên cấp độ hai là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành.
Trường hợp cấp độ 2 chưa xong thi cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư là Trưởng ban họp lại để giải quyết. Nếu vẫn chưa xong thì sẽ họp toàn thể Ban chỉ đạo, ở cấp này nếu vẫn chưa giải quyết được thì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để giải quyết khó khăn vướng mắc, đó là cơ chế 5 cấp độ.