Nợ công sắp đụng “trần”

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI |

Theo báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi tới các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công vào khoảng 3,13 triệu tỉ đồng, tương đương 62,6% GDP, tăng mạnh so với mức 54,5% của năm 2013. Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ nợ công liên tục tăng nhanh đáng lo ngại. Dự báo năm 2018, nợ công sẽ vào khoảng 63,6% GDP.

Đến 2020, bội chi sẽ giảm còn 3,4%

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2017, nợ Chính phủ vào khoảng 2,59 triệu tỉ đồng (51,8% GDP), nợ bảo lãnh khoảng 498.000 tỉ đồng, nợ địa phương 39.600 tỉ đồng. Tình hình nợ công tăng cao liên tiếp qua từng năm và đã tiến rất gần tới giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Ngày 3.11, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có phiên giải trình.

Tại đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Đã bổ sung vào dự án Luật Hệ thống các công cụ quản lý nợ công (QLNC) bền vững như chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm (gồm năm hiện hành, năm kế hoạch, năm tiếp theo).

Kế hoạch vay trả nợ công hằng năm được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ quyết định và chặt chẽ. Bổ sung các quy định về nguyên tắc QLNC, những hành vi bị cấm, các quy định về quản lý huy động, sử dụng, trả nợ, trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan một cách chặt chẽ hơn so với Luật năm 2009. Đã đưa ra những quy định làm rõ, siết chặt hơn về phạm vi bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, vốn vay nước ngoài… để giảm thiểu rủi ro, không làm gia tăng khoản nợ cho ngân sách nhà nước (NSNN)”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Không có chuyện chúng ta vay thương mại về cho vay lại. Điều này hoàn toàn phù hợp Luật NSNN. Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ về một loạt khoản vay của WB, ADB. Chúng ta đã tốt nghiệp IDA, nên cho vay kèm IDA và vay ưu đãi rất lớn.

Nhiều khoản vay, dự án, sau khi tính toán, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ không vay nữa. Lý do một là lãi suất quá cao, từ 5% tới 7% nếu tính bình quân (bao gồm cả trượt giá), cao hơn vốn vay trong nước.

Hai là, những hiệp định này, chuẩn bị đàm phán thì nằm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội thông qua. Quốc hội thông qua là 300.000 tỉ đồng, nhưng thực tế tháng 6.2016, các hiệp định đã ký chưa giải ngân, còn khoảng 22 - 23 tỉ USD, tức là trên 500.000 tỉ đồng, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ là đưa vào khoảng 400.000 tỉ đồng, tức là khoảng 70% số vốn các hiệp định đã ký. Đến nay nguy cơ vượt quá 300.000 tỉ đồng của nhiệm kỳ này khá rõ.

Ngoài ra, từ tháng 6.2016 đến nay cũng ký thêm dăm tỉ USD nữa. Nhu cầu đầu tư lớn, nhưng tình trạng (nợ công) như thế, nếu trồi thêm một đồng ngoài 300.000 tỉ đồng là toàn bộ chỉ tiêu vĩ mô về bội chi, nợ công đang rất gay go, vì đã tính sát rồi”.

Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng: “Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội, năm nay kế hoạch đưa lên bội chi là 3,7% GDP (năm 2018), nhưng kế hoạch năm 2019 là xuống 3,6% và năm 2020 là 3,4% thì mới đảm bảo mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đưa ra là dưới 3,9%, đến năm 2020 là dưới 3,5%.

Trước các nhu cầu đầu tư như vậy, nhà tài trợ rất muốn cho chúng ta vay. Nhưng đây là thời điểm chúng ta có quyền lựa chọn các khoản vay, có quyền như người cho vay, giữa vay và không vay, nếu chúng ta làm tốt việc quản lý nợ trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn cũng như đầu tư công trung hạn. Vấn đề bây giờ trước hết là lợi ích, là vay hay không, sử dụng có hiệu quả không?”.

Quy trách nhiệm người quản lý nợ công

Trước đó, Quốc hội đã có phiên thảo luận sôi nổi đóng góp ý kiến cho dự án Luật QLNC (sửa đổi) nhằm đưa siết chặt công tác QLNC một cách hiệu quả. Đa phần các đại biểu đều thống nhất việc tập trung QLNC về một đầu mối là Bộ Tài chính. Tuy nhiên các đại biểu vẫn cho rằng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), tập trung một đầu mối QLNC là Bộ Tài chính, phải chịu tách nhiệm toàn bộ, các đơn vị khác chỉ thực hiện theo sự phân công của Chính phủ với vai trò phối hợp là rất phù hợp. Tuy nhiên còn một số băn khoăn như việc quản lý, huy động sử dụng vốn vay, mới quy định về nguồn và các hình thức huy động vốn, chưa có quy định những điều kiện cần tuân thủ mang tính nguyên tắc, để làm thế nào khi vay nguồn vốn đó không ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.

Đại biểu Cường nêu ví dụ: “Những năm qua có rất nhiều vốn vay không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế như phát hành trái phiếu quốc tế mà lãi suất còn cao hơn lãi suất trong nước, điều ấy rõ ràng bất lợi cho nền kinh tế. Tôi cho rằng những điều kiện này chúng ta phải đưa vào quy định gọi là những điều kiện cần phải tuân thủ trong khi đàm phán cho vay vốn”.

Ngoài ra, đại biểu Cường cũng chỉ ra nghĩa vụ trả nợ công, trả nợ nước ngoài so với tổng kim ngạch xuất khẩu không nói lên gì so với khả năng trả nợ công. Do vậy cần phải sửa thành “chỉ tiêu trả nợ nước ngoài so với dự trữ ngoại tệ quốc gia thì mới hợp lý” - ông Cường nhấn mạnh. Đặc biệt, đối với quy định về quyền và trách nhiệm của những đơn vị quản lý cho vay bảo lãnh, đại biểu Cường đề xuất “những người QLNC nếu đồng ý cho các dự án vay vốn và bị thua lỗ thì cũng phải chịu trách nhiệm”.

Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng: “Việc thống nhất đầu mối về nợ công sẽ gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng, trách nhiệm cân đối nguồn cũng như trách nhiệm nếu để xảy ra thất thoát lãng phí. Đây là những tồn tại, bất cập nhất trong QLNC hiện nay.

Điều này còn góp phần giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, phù hợp với chủ trương sắp xếp lại, tinh giản biên chế, có được bức tranh tổng thể về các khoản nợ, từ đó đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, hoặc có thể gộp được các khoản vay nhỏ thành các khoản vay lớn, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay. Theo đó, đại biểu Bình đề nghị Quốc hội thông qua để luật sớm đi vào cuộc sống.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho biết:

“Nợ công có 2 tác động lớn tới nền kinh tế, thứ nhất là khi trần nợ công bị áp lực, khả năng trả nợ chịu áp lực thì chúng ta không thể huy động thêm được. Thiếu vốn mà không huy động thêm được thì đầu tư công bị hạn chế. Trong khi đầu tư công như vốn mồi để thu hút nguồn lực xã hội vào tổng đầu tư của xã hội, từ đó nguồn lực thu hút vốn xã hội thực hiện các dự án theo mô hình hợp tác công tư PPP bị hạn chế, tác động tới nguồn lực để phát triển xã hội nói chung.

Thứ hai là đầu tư công, triển khai các dự án công tạo sự lan tỏa cho hoạt động kinh tế của xã hội. Ví dụ như đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, đường sá… tạo điều kiện cho khu vực khác phát triển. Nhưng vốn đầu tư bị hạn chế thì những công trình đó bị ách tắc chậm, hiệu ứng lan tỏa sẽ không phát huy tác dụng.

Khi nợ công đã chạm ngưỡng thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Tức là khi mà ta bị áp lực thì khả năng trả lãi và vốn gốc là lớn, chúng ta phải lấy nguồn ngân sách để trả, tiền đầu tư đã hạn chế giờ càng hạn chế hơn. Tất cả những điều đó tác động sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Khi tốc độ tăng trưởng bị tác động xấu thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân về công ăn việc làm, về thu nhập, sẽ là tác động xấu theo hướng dây chuyền như vậy”.

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.