Đi du học năm 11 tuổi
Nguyễn Hữu Thọ sinh ra trong một gia đình trung lưu tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày nay. Năm 1921, khi mới 11 tuổi, được sự cho phép của gia đình, ông 1 mình xuống tàu sang Pháp du học. Sau 11 năm miệt mài học tập, năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu. Trở về nước, ông làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp. Năm 1939, ông đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và mở văn phòng luật của riêng mình tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải đã nhanh chóng lan ra khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cuối năm 1940 đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí của ông. Những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ giúp ông cảm nhận được lý tưởng và lòng yêu nước của những người cộng sản; thấy rõ bản chất phi nghĩa, tàn bạo của chính quyền thực dân thuộc địa. Ông nhận bào chữa miễn phí cho các chiến sĩ yêu nước và đã cứu được nhiều nhà hoạt động cách mạng lúc bấy giờ. Ông dựa vào luật pháp của Pháp để tố cáo tội ác của chính quyền thực dân. Ông vận động giới trí thức Sài Gòn ra bản “Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với chính phủ kháng chiến để lập lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do cho Việt Nam”.
Giai đoạn 1941-1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới danh nghĩa của tổ chức Hướng đạo sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là 1 trong các tri thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án Dân sự tỉnh Vĩnh Long. Tuy làm việc cho chính quyền thực dân nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức. Năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ xin từ chức Chánh án Tòa án Dân sự tỉnh Vĩnh Long, mở văn phòng luật sư riêng tại Sài Gòn và hoạt động trong Ban Trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Năm 1949, Nguyễn Hữu Thọ được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 19.3.1950, ông tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và sự can thiệp Mỹ vào Việt Nam. Ông bị chính quyền thuộc địa bắt giam ở Lai Châu và Sơn Tây. Tháng 11.1952, ông mãn hạn tù, trở về Sài Gòn tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh đòi hòa bình cho Việt Nam.
Ra tù thành Chủ tịch Mặt trận Giải phóng
Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngay tại Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thọ tham gia đấu tranh đòi Chính phủ Pháp và chính quyền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi thả tù chính trị, thực hiện quyền tự do, dân chủ. Ngày 15.11.1954, chính quyền Sài Gòn đã bắt giam và lưu đày ông ở vùng cao tỉnh Phú Yên.
Tháng 11.1961, quân và dân tỉnh Phú Yên đã tiến hành cuộc giải thoát ngoạn mục và đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Trung ương Cục miền Nam lúc ấy đóng ở chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, vào tháng 2.1962, ông tham dự Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1969, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Với cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, luật sư đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, binh vận gay go và ác liệt vào bậc nhất trong thế kỷ XX chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền Sài Gòn theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục giữ nhiều trọng trách như: Quyền Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.