Mùa của niềm tin

Linh Anh |

Năm 2018, báo Lao Động có đăng một câu chuyện: Thôn An Thịnh, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) có người nông dân tên Cao Thị Đào, 47 tuổi. Trong 14 năm, chị Đào vừa miệt mài làm từ thiện vừa kiên trì viết đơn xin vào Đảng. Điều gì khiến một phụ nữ bình thường khát khao trở thành đảng viên đến vậy? Chỉ có thể là niềm tin - tin rằng, khi đứng trong hàng ngũ Đảng sẽ cống hiến nhiều hơn, sống tốt hơn, gương mẫu hơn.

Tin vào cam kết chính trị của Đảng với quốc dân đồng bào 

Niềm tin của người dân vào Đảng được thắp sáng, tiếp nối bởi công cuộc phòng, chống tham nhũng đang diễn ra rất quyết liệt.

Nếu như trước đây, phòng chống tiêu cực vẫn được cho nặng về hô hào, không thực chất hay “chỉ đánh từ vai trở xuống” hoặc cũng có người lo lắng “kỷ luật cán bộ nhiều thì lấy ai làm việc”… thì giờ đây người dân đã tin, cán bộ dù có to đến đâu, nếu sai phạm, cũng sẽ bị xử lý, không hề có “vùng cấm”.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội cuối tháng 11.2018, khi nhận được những băn khoăn của cử tri, Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại: “ Sở dĩ tôi nói hình ảnh lò nóng lên rồi là tất cả đều vào cuộc, khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay, đây là bài học thành công và từ đây sẽ làm tiếp việc khác”.

Chống tham nhũng không chỉ cứ hăng hái, quyết liệt hay chủ quan duy ý chí mà cần có cách làm, có phương pháp, có trình độ và thuộc luật pháp.

Có nhiều nét mới trong việc xử lý những sai phạm. Như quan điểm ưu tiên trong xử lý đó là phải thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Hay vấn đề “tham nhũng vặt”. Chống tham nhũng không chỉ tập trung vào những vụ việc lớn mà phải xử lý cả những biểu hiện qua  nạn hối lộ  trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt khi giao dịch với cơ quan công quyền.

Đầu năm 2018, làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến cụm từ tham nhũng vặt; cuối năm, khi tiếp xúc với nhân dân, Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước cũng tái khẳng định: “Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất khó chịu. Đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền nó không trôi, "bôi trơn" mà. Xin giấy tờ học hành cho con, cho cháu, chuyển chỗ nọ chỗ kia... có phong bì thì được nhanh, không có ông ấy cứ ngâm đấy. Nó khó chịu lắm và làm hư hỏng cán bộ. Chuyện đó không phải chuyện nhỏ".

Tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt làm hư hỏng cán bộ. Đó là một thực tế. Công tác phòng chống tham nhũng cũng như chữa bệnh, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Làm thế nào để cán bộ làm gương, không tham nhũng mới là điều tối quan trọng.

Năm 2018, Trung ương có ít nhất 2 văn bản quan trọng về công tác cán bộ. Đó là Nghị quyết 26 - Hội nghị Trung ương 7 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương được ban hành tại Hội nghị Trung ương 8.

Từng bước lấy lại niềm tin trong đội ngũ đảng viên, trong nhân dân, căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương tiếp tục đưa ra quy định về Quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đặc biệt là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.

Cuối tháng 11.2018, giới thiệu Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khẳng định: “Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Việc ban hành Quy định nêu gương là một cam kết chính trị của Trung ương với chính mình và toàn đảng, toàn dân”.

Quy định về nêu gương không chỉ để xử lý, nhắc nhở cán bộ trong phòng chống tham nhũng, tha hóa trong lối sống, chuyển hóa trong tư tưởng mà còn nêu gương về việc kiểm soát quan hệ trong gia đình sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật len lỏi trong người thân, gia đình cán bộ…

Nhân dân đang quan sát xem cán bộ, đảng viên, trước hết là các ủy viên Trung ương nói và làm như thế nào, có nhất quán và thực sự gương mẫu như quy định hay không.

Tin vào đời sống tốt đẹp hơn

Năm 2019 được cho là năm “tăng tốc” để hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Thời gian qua, đã có nhiều thành tựu đạt được, đặc biệt kinh tế xã hội  có những phát triển đáng mừng. Thế nhưng, vẫn còn những khó khăn và khát vọng của Đảng, Chính phủ chính là làm thế nào để nâng mức sống của người dân cao hơn nữa.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, cử tri Vũ Thăng Long nhắc lại việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu cuối năm 2018 đã đề cập việc đưa nền kinh tế nước ta có quy mô tăng gấp hơn 17 lần trong 30 năm tới, tức là đạt hơn 2.500 tỉ USD với thu nhập bình quân đầu người hơn 18.000 USD vào năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc khánh.

“Đây có thể nói là Giấc mơ Việt Nam được không?” - câu hỏi cử tri đặt ra với Thủ tướng. Đáp lại, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chúng ta phải có niềm tin, ý chí mạnh mẽ. “Tôi đã tính toán rất cụ thể con số, cơ sở, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện tốt. Cho nên không chỉ phải có khát vọng mà ta phải có ước mơ lớn, không chỉ người lãnh đạo mà cả nhân dân”- Thủ tướng khẳng định.

Có thể nói, năm 2018 là năm Chính phủ  đã thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” trong điều hành kinh tế, xã hội.

Khi nói chuyện với những doanh nghiệp trẻ về khởi nghiệp tại một hội nghị diễn ra cuối tháng 11.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gây bất ngờ khi dùng từ “mạo hiểm”: “Chính phủ sẽ mạo hiểm cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Start-up là một câu chuyện không dễ dàng. Cơ chế và môi trường khiến cho việc khởi nghiệp khó khăn và đa số các start-up bỏ cuộc ngay trong năm đầu tiên. Chữ “mạo hiểm”  Thủ tướng dùng chính là một động lực khích lệ các start-up. Cùng đồng hành, cùng san sẻ trách nhiệm, cùng tháo gỡ những vướng mắc khó khăn. Cộng đồng start-up Việt tin là sẽ có những cơ hội mới mở ra với họ khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ đến thế.

Tin vào giấc mơ vươn xa

Năm 2019, kinh tế Việt Nam đứng trước hai cánh cửa lớn là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngày 17.10.2018, Ủy ban Châu Âu đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký, để trình Nghị viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.

Về một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, có mức cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Hiệp định được kỳ vọng mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân Châu Âu và Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp các công ty Châu Âu ưu tiên tiếp cận thị trường hơn 92 triệu người tiêu dùng, tăng đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Á. Ngược lại, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng dễ tiếp cận Châu Âu hơn”.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã chính thức được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 12.11.2018. Khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng  khẳng định: “Các nước đã quyết định hoãn một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng tổng thể hiệp định này vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay”.

Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Cơ hội việc làm, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên.

Mùa của niềm tin

Trở lại với câu chuyện của người phụ nữ Cao Thị Đào, 47 tuổi, ở Thái Nguyên. Chị Đào là một người dân bình thường cố gắng học xong bổ túc văn hóa, cố gắng làm việc thiện và ấp ủ nguyện vọng vào Đảng hàng chục năm trời. Vào Đảng không phải để làm cán bộ, cũng không phải để làm giàu mà để cống hiến, để sống tốt hơn. Phải có một niềm tin mãnh liệt đến nhường nào thì người phụ nữ ấy mới quyết tâm đến thế.

Câu chuyện này có thể gợi lại nhiều suy nghĩ và niềm cảm hứng cho những người khác, nhất là lớp trẻ mà một bộ phận đã “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” - như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022.

Vẫn còn đâu đó những hoài nghi, vẫn còn đâu đó những lời phàn nàn, vẫn còn những đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”… nhưng những người tốt vẫn là đa số, những điều tốt đẹp, nhân văn vẫn là dòng chảy chính của cuộc sống hôm nay.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ Lưu Quang Vũ (17. 4. 1948 - 29.8.1988), nhiều bạn trẻ đã chép dòng trạng thái lên mạng xã hội bài thơ “Phố Ta”. Giữa nhịp sống của một khu phố nghèo, chỉ riêng “bác thợ mộc già buồn bã” và phần kết bài thơ, cũng là một lời nhắc nhớ:

“… Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa

Sao rãnh nước trong veo đến thế?

Con chim sẻ tóc xù ơi

Bác thợ mộc nói sai rồi”.

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Đảng lãnh đạo - những dấu ấn lớn lao

VƯƠNG TRẦN (thực hiện) |

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định trong suốt hành trình 89 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã để lại nhiều dấu ấn vĩ đại được lịch sử và bạn bè thế giới ghi nhận. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, quyết tâm làm trong sạch Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm cũng là một dấu ấn lớn trong niềm tin của nhân dân. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.

Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn

NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam |

Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3.2.1930 - 3.2.2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết: "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn". Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng LĐLĐVN chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Nhóm phóng viên |

Ngày 29.1, nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Đoàn đại biểu Tổng LĐLĐVN do đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN làm trưởng Đoàn đã đến chúc Tết, thăm hỏi các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và một số Anh hùng Lao động tiêu biểu.

Trung Quốc mở cửa và lãi suất chi phối thị trường hàng hóa 2023

Song Minh |

Lãi suất của Fed và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là những biến số chính trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong năm nay, sau khi nhiều mặt hàng thiết lập mức cao lịch sử vào năm 2022 do lạm phát và chiến sự Ukraina.

Tóc Tiên: “Tết tôi thường cùng chồng về Hà Nội đón năm mới”

Mi Lan |

Nữ ca sĩ Tóc Tiên chia sẻ, cô thích khí hậu se lạnh, những món ăn đường phố ở Hà Nội. Tóc Tiên thường cùng chồng là nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver về Hà Nội đón năm mới.

Chợ đầu mối Long Biên tấp nập ngày cận Tết, cửu vạn làm không ngơi tay

Minh Hà - Việt Anh |

Tại chợ Long Biên ngày cận Tết, xe chở hàng về các chợ đầu mối càng đông, nối đuôi nhau thành một hàng dài. Không khí làm việc tại đây luôn khẩn trương, tất bật. Cửu vạn làm không nghỉ tay.

Những giải pháp nào vực dậy thị trường bất động sản năm 2023?

Bảo Chương |

Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái.

Công nhân nợ lương ở Lào Cai: Công đoàn đã hỗ trợ hàng nghìn suất quà Tết

Văn Đức |

Hơn 1.000 công nhân của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung bị nợ lương gần 1 năm nay được tổ chức Công đoàn hỗ trợ hàng nghìn suất quà Tết.

Đảng lãnh đạo - những dấu ấn lớn lao

VƯƠNG TRẦN (thực hiện) |

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định trong suốt hành trình 89 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã để lại nhiều dấu ấn vĩ đại được lịch sử và bạn bè thế giới ghi nhận. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, quyết tâm làm trong sạch Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm cũng là một dấu ấn lớn trong niềm tin của nhân dân. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.

Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn

NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam |

Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3.2.1930 - 3.2.2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết: "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn". Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng LĐLĐVN chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Nhóm phóng viên |

Ngày 29.1, nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Đoàn đại biểu Tổng LĐLĐVN do đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN làm trưởng Đoàn đã đến chúc Tết, thăm hỏi các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và một số Anh hùng Lao động tiêu biểu.