dịch covid-19 - biến thách thức thành cơ hội

Mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế cùng quyết tâm

Nhóm PV Kinh tế - Xã hội |

Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp: Những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế cùng quyết tâm, phối hợp biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, để đưa đất nước tiến lên. Thông điệp này đã thấm tới các vị tư lệnh ngành, tạo ra sự chuyển biến...

Biến nguy thành cơ

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là SARS-CoV-2 và “virus trì trệ, không dám tiến công, không hành động”. Dù thế nào cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta giải quyết 2 virus này thì xã hội, đất nước mới phát triển.

Thủ tướng yêu cầu tất cả các tư lệnh ngành phải xây dựng kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó, coi đây là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:  Khơi dậy nội lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, đối tác và kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch bệnh cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam như: Xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất.

Tuy nhiên, điểm sáng là 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 1,8 tỉ USD. Kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ” như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh nói chung, không phải không có cơ hội. Đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác; giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động, để từ đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong cả trước mắt và lâu dài…

Qua đó, xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.

Để làm được điều đó, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương đã tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Trong đó, tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain khi truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh hiệp định EVFTA được phê chuẩn; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc CMCN 4.0, hướng tới tăng năng suất quản lý và đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mền quản lý sản xuất, xây dựng trang Landing Page,... nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh số hóa hệ thống thông tin về thị trường, triển khai xây dựng kế hoạch nâng cấp Cổng thương mại điện tử quốc gia; hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại: www.vietnamexport.com để cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần và kết nối giao thương; Thuận lợi hoá thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai CO điện tử; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (QR Code) trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc...

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học từ xa

Hơn 2 tháng qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục đã tích cực, chủ động trong việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần sức khỏe, tính mạng của học sinh, sinh viên, giáo viên là trên hết.

Song song với những giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục còn đẩy mạnh triển khai các giải pháp về việc dạy học từ xa để việc học hành của các em không bị gián đoạn. Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19.

Với tinh thần “học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn”, các địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều hình thức phù hợp để thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Bước đầu dù còn những bỡ ngỡ, thách thức nhưng sự nỗ lực vượt khó, đồng lòng, chủ động trong việc thích ứng và thay đổi phương thức dạy học của đội ngũ giáo viên là rất đáng ghi nhận.

Để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả, Bộ GDĐT đang hoàn thiện hướng dẫn về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, trong đó cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung, phương thức thực hiện, chất lượng bài giảng, hoạt động kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả…

Cùng với việc đẩy mạnh dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, ngành Giáo dục cũng có các phương án tinh giản chương trình học, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, tuyển sinh đại học, cao đẳng tương thích các kịch bản khác nhau về kế hoạch năm học để ứng phó với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà: Đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ nút thắt chuyển đổi số

Trước nguy cơ  này, ngay từ tháng 12 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có văn bản số 6847/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, các loại động vật hoang dã. Đây là hoạt động nhằm tăng cường kiểm soát những hoạt động tiếp xúc, sử dụng động vật hoang dã có thể lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, khi dịch bệnh diễn ra, Bộ TNMT cũng đã phối hợp với các cơ quan y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế và xử lý khẩu trang thải bỏ sau khi sử dụng đúng quy định.

Tôi cho rằng các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin sự và quyết liệt, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử đã mang hiệu quả hết sức tích cực không chỉ ở các các cơ quan hành chính ở Trung ương, địa phương mà còn được triển khai hiệu quả ở các doanh nghiệp.  Đặc biệt, việc này đang phát huy hiệu quả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, Bộ TNMT đã đẩy mạnh thiết lập hệ thống kết nối điều hành giữa Bộ và các Sở TNMT; thực hiện họp, hội nghị, giao ban không sử dụng giấy tờ...

Dịch bệnh đưa tới những khó khăn, nhưng đây cũng là lúc chúng ta nhìn nhận các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến đời sống từ môi trường, biến đổi khí hậu, để hướng tới xây dựng “nền kinh tế xanh”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Mục tiêu đạt được “kết quả kép”

Đứng trước những khó khăn, ngành Nông nghiệp vốn đã nỗ lực nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa phải chống dịch bệnh COVID-19, vừa phải chủ động phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Quán triệt tinh thần này, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Bộ đã tiến hành Hội nghị để chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra; chung tay hành động tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, biến “nguy” thành “cơ” để vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa chuẩn bị những điều kiện tích cực nhất phục vụ sản xuất, sẵn sàng tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu để hoàn thành mục tiêu năm 2020 đã đề ra. Đây là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn bền vững lâu dài. Bởi vì, nếu để gián đoạn thị trường thời điểm này là rất nguy hiểm.

Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và tất cả các bộ, ngành liên quan họp bàn chuyên đề để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; những vấn đề thuộc thể chế, cơ chế, chính sách ngoài phạm vi của Bộ sẽ kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết, quyết định.

Bộ sẽ chủ động chỉ đạo, phối hợp các lĩnh vực cụ thể, như: Họp bàn với Hiệp hội gỗ và lâm sản để đảm bảo tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu, cố gắng đạt mục tiêu 12,5 tỉ USD trong năm nay. Đối với lúa gạo, hiện nay, vụ đông xuân ở ĐBSCL được mùa, được giá; nhưng vụ hè thu tới đây, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn là một thách thức thì phải tính toán cơ cấu mùa vụ để đảm bảo vừa chống được hạn nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo chất lượng, sản lượng lúa…

Để mở rộng thị trường và có phương án chuẩn bị tốt đối với kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của thị trường tăng cao sau khi hết dịch bệnh COVID-19, Bộ NNPTNT xác định phải bằng những hành động liên tục, quyết liệt, cụ thể, đồng bộ từ cấp Trung ương cho đến các cấp địa phương, đến doanh nghiệp, người dân thì mới có được “kết quả kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa đẩy lùi dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng đối phó mọi tình huống dịch bệnh

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta phải xác định chính là cơ hội để y tế Việt Nam khẳng định thành quả, tính ưu việt của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh. Là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng, tăng cường năng lực y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực đáp ứng các sự kiện y tế công cộng. Kinh nghiệm trong phòng chống các dịch bệnh SARS, MERS-CoV, H5N1...  và qua thực tế đã cho thấy hệ thống y tế dự phòng và những phương án “tác chiến” của Việt Nam trước dịch bệnh này được quốc tế đánh giá cao.

Nhóm PV Kinh tế - Xã hội
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ

Đặng Tiến - Cao Nguyên |

Doanh nghiệp Việt đang phải đối đầu với khủng hoảng kép khi nhập khẩu và xuất khẩu đều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Dự báo các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… chỉ còn đủ linh kiện phục vụ sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3.2020. Nếu sau tháng 3 vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải tạm đóng cửa và người lao động sẽ mất việc do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi đó xuất khẩu thì lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU và Mỹ, các thị trường này cũng đang thắt chặt do đối phó với dịch.

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản tại Châu Âu

Khánh Vũ |

Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản, thực thi mọi quy chuẩn về đánh bắt, khai thác theo để thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường tại Châu Âu.

Xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế phải có giấy phép

T.Vương |

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ

Đặng Tiến - Cao Nguyên |

Doanh nghiệp Việt đang phải đối đầu với khủng hoảng kép khi nhập khẩu và xuất khẩu đều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Dự báo các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… chỉ còn đủ linh kiện phục vụ sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3.2020. Nếu sau tháng 3 vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải tạm đóng cửa và người lao động sẽ mất việc do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi đó xuất khẩu thì lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU và Mỹ, các thị trường này cũng đang thắt chặt do đối phó với dịch.

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản tại Châu Âu

Khánh Vũ |

Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản, thực thi mọi quy chuẩn về đánh bắt, khai thác theo để thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường tại Châu Âu.

Xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế phải có giấy phép

T.Vương |

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ.