Luật nào để xử lý quan chức kê khai tài sản không trung thực?

XUÂN HẢI - LINH ANH |

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng: “Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội” cũng như bức xúc của xã hội về việc chậm công bố kết luận về việc sở hữu tài sản “khủng” của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, thì vấn đề đặt ra là phải chăng đang có những khó khăn trong việc xác định và xử lý những cán bộ, quan chức kê khai tài sản thiếu trung thực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đã thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp trong tháng 10 tới. Đa số ý kiến đề nghị cần quy định rõ về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý cũng như việc giao cho cơ quan chủ quản xác minh kê khai tài sản nhưng khi phát hiện tài sản có dấu hiệu bất minh thì xử lý thế nào cần phải quy định cụ thể và tránh chồng chéo với luật khác.

Kê khai không trung thực vừa vi phạm vừa coi thường dân

Còn nhớ tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hồi đầu tháng 9 thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đại biểu Nguyễn Đức Sáu đã nói rất chua chát rằng nhiều cán bộ quan chức khi bị phát hiện có nhà cao cửa rộng, tài sản khủng thì đã bao biện rằng đó là tiền nhờ “bán chổi đót, nuôi heo” là - “coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên” và “Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản khủng thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có mù mà tin vào những giải thích như vậy”.

Cũng tại đây, nhiều con số đưa ra khiến người dân giật mình như “tham nhũng gây thiệt hại 1.400 tỉ nhưng thu hồi chỉ 160 tỉ” hay báo cáo “về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỉ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 cán bộ tại các đơn vị như Bộ NNPTNT, Quốc phòng, Công Thương, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai được xác minh tài sản, thu nhập” và chỉ có 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Có hai vấn đề ở đây, thứ nhất là người kê khai đã thiếu trung thực như đại biểu Nguyễn Đức Sáu nhận định. Thứ hai là chế tài để phát hiện và xử lý không có nên kém hiệu quả. Theo cách nói của Ủy viên thường trực UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ là: “Chúng ta đi thanh tra kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ôtô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng”.

Quay trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng. Trước đây, khi báo chí, dư luận nói về một số tài sản của mình, ông Xuân Anh tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12.2015 đã trả lời rằng: “Cá nhân tôi thì hoàn toàn không có bất cứ lô đất nào trên địa bàn TP.Đà Nẵng chứ đừng nói bên biển. Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các đồng chí, thậm chí có tể từ chức Bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!”. Bây giờ, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng hai nhà ở của DN (phản ánh của báo chí là nhà 45, 47 Nguyễn Thái Học, Đà Nẵng) thì có phải là kê khai tài sản thiếu trung thực không?

Một người cũng mắc nhiều vi phạm, khuyết điểm trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hồi đầu năm 2017 cũng đã có ý kiến từ một số tờ báo thông tin ông Huỳnh Đức Thơ sở hữu nhiều bất động sản và vốn góp ở cơ sở kinh doanh. Ngay sau đó, ngày 15.3, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng đã phát đi thông cáo số 747/VP-NC phản hồi thông tin trên và khẳng định “việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của ông Huỳnh Đức Thơ đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước về thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai hiện nay được giao nộp, lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ để phục vụ công tác giám sát theo đúng quy định”. Bản thân mình, trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định ông “không có gì phải áy náy. Người tốt thì có bỏ cối giã cũng tốt”. Dù vậy, việc kê khai của ông Thơ có trung thực hay không thì “việc tiến hành các công việc thẩm tra, xác minh sau kê khai (nếu có) sẽ do cơ quan trung ương chỉ đạo thực hiện” để minh bạch vấn đề này.

 
 
Không để đợi bổ nhiệm mới kiểm tra, xác minh

Tại thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới diễn ra hôm 20.9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ trong báo cáo: Dự thảo luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Do đó về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo bà Nga, trong điều kiện đó thì trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), coi trọng phòng, nhưng phòng tản mạn suốt cả bộ luật, không có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, kê khai tài sản cứ đút ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm, hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. Nhưng kiểm tra theo các bước thì rất đơn giản.

Ông Phong nhấn mạnh, dự thảo luật đưa vào Điều 40 là cơ quan chủ quan tiến hành xác minh. Nhưng khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào? Thông thường các nước, nếu phát hiện anh A công chức kê khai tài sản, nhưng tôi phát hiện ra anh bất minh thì tự giao cho anh kiểm tra, anh kiểm tra 6 tháng mà không chứng minh được nhưng mà tài sản anh bất minh thì cơ quan chủ quản ra quyết định chuyển cho cơ quan chức năng thu hồi. Rất hợp pháp. Nếu có khiếu kiện thì tòa xử. Rất minh bạch. Chứ nếu sử dụng như quy định đưa ra thì có hai trường hợp xảy ra là cơ quan nào cũng đặt ra yêu cầu xác minh, mà xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật.

Đồng quan điểm trên, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề xuất thêm, kê khai tài sản cần làm rõ ràng, đồng bộ, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin nối kết với nhau.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: Phải xử lý hình sự những trường hợp kê khai tài sản không trung thực

 
 

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - chia sẻ: Cần có giải pháp để việc kê khai tài sản của cán bộ có chức quyền không hình thức. Hiện tại việc xác minh kê khai tài sản của cán bộ công chức được quy định trong 4 điều kiện sau: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Do vậy, để thẩm định việc kê khai tài sản của quan chức, Chính phủ đang trình Quốc hội Dự luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi theo hướng cần có một cơ quan chuyên xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ công chức. Ngoài ra, ông Đạt cũng cho biết, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xem bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ dưới quyền thấy có vấn đề gì bất thường với thực tế, thu nhập của người cán bộ thì phải có trách nhiệm cử người đi xác minh và yêu cầu người cán bộ đó giải trình về nguồn gốc số tài sản có được. Có như vậy người đứng đầu mới kiểm soát được cán bộ của mình. “Nguyên tắc kê khai tài sản thu nhập là tự nguyện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức. Sau này sửa luật, đối tượng phải kê khai đúng tài sản của mình, nếu trường hợp nào không kê khai đúng và bị các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu của việc tham nhũng thì phải xử lý, thậm chí xử lý ở mức độ hình sự để răn đe, làm nghiêm, chứ không dừng lại ở mức độ kiểm điểm và rút kinh nghiệm” - ông Đạt nói. T.S

Công tác thanh tra còn nể nang

 
 

Nói về việc cơ quan thanh tra đã ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ/176 đối tượng, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh: Số vụ việc mà cơ quan thanh tra chuyển sang cho cơ quan điều tra xử lý hình sự như vậy là quá ít. Phải chăng trong công tác thanh tra vẫn có sự nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, ngại động vào đồng chí của mình, thậm chí là có tiêu cực? Dư luận đang bức xúc và đặt câu hỏi tại sao việc thanh tra ở Yên Bái mãi không được công bố? Tôi đề nghị cần phải sớm công bố kết luận để dân biết rõ đúng sai thế nào, kiến nghị xử lý sai phạm ra sao? Công tác phòng, chống tham nhũng có được hiệu quả hay không thì việc công khai minh bạch kết luận thanh tra rất quan trọng. Tôi cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng được hiệu quả thì trước tiên các quy định của luật phải chặt chẽ, cụ thể, vì hiện nay quy định của pháp luật còn chung chung. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra những vụ việc, đối tượng có tiêu cực tham nhũng thì phải xử lý thật nghiêm, không được xử lý theo kiểu giơ cao đánh khẽ. Đặc biệt tôi đề xuất cần phải có cơ quan thanh tra có quyền lực độc lập, trực thuộc Quốc hội, như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. T.S

XUÂN HẢI - LINH ANH
TIN LIÊN QUAN

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.