Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có tờ trình về dự án Luật Chăn nuôi. Tiếp đến, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật.
Cho ý kiến liên quan đến dự luật, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng: Cần phải rà soát lại để có được định hướng, giải pháp cải thiện điều kiện kinh doanh trong Luật. Về vấn đề liên quan đến chính sách đối với chăn nuôi, cần có một nội dung như thế nào không trồng chéo và trong khả năng nguồn lực.
“Trong chính sách, tôi quan tâm tới mục tiêu cần xã hội hóa nguồn lực. Giải pháp để triển khai xã hội hóa cũng chưa rõ. Về hành vi bị cấm, trong dự luật cũng chưa rõ. Trong dự luật, Điều 7 có quy định, không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị. Chăn nuôi tập trung thì không được nuôi trong khu dân cư. Trong đó Điều 38 thì lại giao cho UBND trình HĐND quy định các khu vực trong khu nội thị, nội thành được chăn nuôi. Đề nghị chính sách phải rõ ràng để tránh mâu thuẫn” – ông Thanh nói.
Còn bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện lại đặt câu hỏi: Hiện nay, có hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” (một bên để bán, một bên để gia đình ăn - PV) mà dư luận vẫn phản ánh hay hiện tượng thường xuyên phải giải cứu thịt lợn…, vậy luật này có thể khắc phục được không?
Bà Hải cũng cho rằng, quan điểm xây dựng Luật Chăn nuôi lần này là coi giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là một sản phẩm hàng hóa và phải quản lý theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua tiêu chuẩn và quy chuẩn. Đồng thời đối với cơ sở sản xuất giống vật nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi cần phải quản lý theo hướng lĩnh vực kinh doanh có điều điều kiện. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thể hiện được quan điểm này. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu các quy định trong dự thảo Luật để quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý.
Bà Hải bày tỏ băn khoăn về Quy định chăn nuôi ở trong nội thành, nội thị và khái niệm chăn nuôi nhỏ lẻ. Ví dụ, nhà tôi nuôi mấy con gà tre để làm cảnh, đẻ trứng… nhưng có thể thừa ra một chút muốn bán thì như thế nào?”, bà Hải đặt câu hỏi.
Một khía cạnh khác cũng được bà Hải góp ý là về việc đưa quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng. Vấn đề quy định về hành nghề chăn nuôi cũng cần được làm rõ.